Công nghệ vũ trụ Việt Nam: Chìa khóa là con người và thể chế

24/07/2025

TN&MTCông nghệ vũ trụ đang mở ra cơ hội lớn để Việt Nam khẳng định vị thế công nghệ và hình thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để “cất cánh”, bài toán con người, thể chế và chiến lược dài hạn vẫn cần được giải quyết căn cơ, thực chất và đồng bộ.

Tọa đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới” là diễn đàn để những trăn trở, kiến nghị và giải pháp được chia sẻ, nhằm tìm lời giải căn cơ cho bài toán phát triển bền vững ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam trong giai đoạn tới.

Nhân lực chất lượng - nút thắt của công nghệ vũ trụ Việt Nam

Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), công nghệ vũ trụ Việt Nam dù đã có những bước tiến về phát triển vệ tinh và khai thác dữ liệu, nhưng vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây không chỉ là vấn đề trước mắt mà là nút thắt chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng ứng dụng công nghệ không gian phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác phòng chống thiên tai.

Ông Ngọc cho biết, Việt Nam đã xây dựng được kho dữ liệu vệ tinh khổng lồ nhờ nhiều năm hợp tác quốc tế và tự chủ công nghệ với các dự án như VNREDSat‑1, MicroDragon hay NanoDragon. Dù vậy, năng lực khai thác, xử lý và chuyển đổi dữ liệu này thành các sản phẩm, dịch vụ thiết thực vẫn còn hạn chế, nguyên nhân chính là thiếu đội ngũ chuyên gia liên ngành về viễn thám, xử lý dữ liệu không gian, trí tuệ nhân tạo và mô hình hóa.

Ông nhấn mạnh, phát triển công nghệ không gian không chỉ dừng ở đầu tư hạ tầng, thiết bị mà quan trọng hơn là chiến lược bài bản về con người từ đào tạo cơ bản, nâng cao chuyên môn cho tới đãi ngộ, tạo động lực để chuyên gia gắn bó lâu dài. Đây là lĩnh vực đòi hỏi tư duy hệ thống, khả năng làm việc đa ngành và cập nhật công nghệ toàn cầu - điều không thể có nếu thiếu người đủ năng lực và tâm huyết.

Thực tế, nhiều ứng dụng của công nghệ vũ trụ như giám sát sạt lở, biến đổi khí hậu hay quản lý tài nguyên rừng thường không đem lại lợi nhuận trực tiếp, khiến việc thu hút nhân lực giỏi và nguồn lực xã hội, đặc biệt từ khối tư nhân, càng khó khăn hơn.

“Chúng ta đang kẹt trong một vòng luẩn quẩn: thiếu người giỏi khiến công nghệ phát triển chậm; công nghệ chưa mạnh nên không thu hút được nhân lực; và khi thiếu nhân lực thì càng khó vận hành hệ thống hiện đại hiệu quả”, ông Ngọc phân tích.

Ông cho rằng, muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, Việt Nam cần sớm thay đổi cách tiếp cận: coi đầu tư cho con người là một khoản đầu tư chiến lược, chứ không phải chi phí tạm thời. Quan điểm này cần được thể hiện bằng chính sách dài hạn, cam kết mạnh mẽ ở cấp quản lý, đặt yếu tố con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số và phát triển các ngành công nghệ cao như công nghệ không gian. "Chỉ khi có nhân lực giỏi, công nghệ mới được vận hành trơn tru, từ đó mới tạo ra giá trị bền vững cho đất nước”, ông Ngọc nhấn mạnh!.

Muốn người trẻ gắn bó với vũ trụ - phải có hệ sinh thái và đầu ra rõ ràng

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, TS. Nguyễn Lương Quang - chuyên gia tại Viện Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng thay thế CEA Paris-Saclay (Pháp) cho rằng, để công nghệ vũ trụ Việt Nam phát triển bền vững, cần đầu tư nghiêm túc cho thế hệ kế cận. Việc này không thể dừng ở những chương trình đào tạo đại trà, mà phải mở rộng sang các khóa huấn luyện chuyên đề, vườn ươm startup khoa học không gian và các mô hình hợp tác công - tư có tính liên kết cao.

Ông Quang nhấn mạnh, yếu tố sống còn để thu hút người trẻ chính là khả năng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Khi có đầu ra rõ ràng, có doanh nghiệp đồng hành và có cơ hội biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể, người trẻ sẽ thấy công nghệ vũ trụ không chỉ là niềm đam mê mà còn là công việc, là sinh kế.

Theo ông, hiện Việt Nam vẫn thiếu các vườn ươm công nghệ chuyên biệt cho lĩnh vực không gian. Muốn những mô hình này hoạt động hiệu quả, cần sự dẫn dắt, bảo trợ từ Nhà nước, đồng thời thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia trực tiếp bởi chính doanh nghiệp là đầu tàu thương mại hóa công nghệ. Khi đầu ra được đảm bảo, nhân tài sẽ có lý do để ở lại, cống hiến và phát triển lâu dài.

Ông Quang cũng lưu ý, công nghệ vũ trụ không chỉ nằm ở thiết bị đắt tiền, mà giá trị cốt lõi là ý tưởng sáng tạo. Để những ý tưởng này nảy mầm, rất cần một hệ sinh thái cởi mở - nơi các chuyên gia, startup có thể tự do nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và khai thác nguồn dữ liệu không gian tối đa.

Ngoài ra, ông cho rằng bài toán nhân lực không thể tách rời chính sách. Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ: từ cơ chế đãi ngộ hấp dẫn, đặt hàng đào tạo nhân lực không gian, đến trao quyền tự chủ cho viện nghiên cứu, trung tâm công lập. Bên cạnh đó, việc kết nối đội ngũ chuyên gia Việt Nam toàn cầu, thúc đẩy cố vấn, chuyển giao tri thức và hoàn thiện khung pháp lý để các sản phẩm không gian có thể thương mại hóa sẽ là mắt xích quan trọng.

Thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như làm chủ công nghệ vệ tinh siêu nhỏ, phát triển viễn thám và tham gia tích cực vào các chương trình quốc tế. Nhưng nếu thiếu chiến lược nhân lực bài bản, công nghệ vũ trụ sẽ thiếu “chất xám dẫn đường” - yếu tố quyết định để ngành này phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Mở cơ chế linh hoạt, Việt Nam có thể bứt phá công nghệ vũ trụ

Đồng quan điểm với các chuyên gia trong nước, TS. Nguyễn Trọng Hiền - chuyên gia đang làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) khẳng định: Dù tiềm lực tài chính còn hạn chế so với các cường quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng ngành công nghệ vũ trụ vững mạnh nếu giải quyết được bài toán cơ chế vận hành.

Theo ông Hiền, trước hết cần mạnh dạn thí điểm các mô hình quản lý linh hoạt, cho phép các đơn vị chủ động thu hút nhân tài, mời gọi chuyên gia Việt Nam toàn cầu quay về hợp tác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ triển khai các dự án kỹ thuật, thí nghiệm và liên kết với các trung tâm vũ trụ quốc tế.

Một nút thắt khác, theo ông, chính là hệ thống đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nếu chỉ trông chờ hoàn toàn vào cơ chế thị trường, sẽ khó hình thành đội ngũ khoa học gia không gian đủ tầm. TS. Hiền gợi ý, Việt Nam từng có kinh nghiệm thành công với mô hình “đặt hàng đào tạo” thời bao cấp, cách làm này có thể được làm mới, áp dụng lại trong bối cảnh mới để đảm bảo nguồn lực con người ổn định, lâu dài.

Đặc biệt, TS. Hiền nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do nghiên cứu. Dù đầu tư lớn cho thiết bị và cơ sở vật chất, nếu thiếu quyền tự chủ thực chất cho đội ngũ khoa học thì khó có thể tạo ra những đột phá. Ông cũng chia sẻ, hiện vẫn có nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài mong muốn trở về cống hiến, nhưng còn băn khoăn trước môi trường làm việc và khung thể chế chưa thực sự cởi mở.

“Muốn chắp cánh cho công nghệ vũ trụ Việt Nam, hãy bắt đầu từ việc mở rộng cánh cửa cho những người tài có cơ hội tự do sáng tạo, cống hiến và phát triển”, TS. Hiền nhấn mạnh.

Hoàn thiện chính sách, phát triển nguồn lực, tạo đà cho công nghệ vũ trụ Việt Nam

Ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết: Thực hiện định hướng và nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển mạnh lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Về nghiên cứu, Việt Nam tiếp tục thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về Công nghệ Vũ trụ – một chương trình đã trải qua ba giai đoạn từ 2008 đến 2020 và hiện bước sang giai đoạn bốn (2021–2030). Trọng tâm của giai đoạn này là nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp luật về vũ trụ; phát triển công nghệ lõi; mở rộng các ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Nhờ đó, nhiều đề tài, sản phẩm tiềm năng đã được các bộ, ngành, địa phương phối hợp nghiên cứu và bước đầu áp dụng vào thực tiễn.

Về cơ chế phối hợp, Bộ KH&CN đã ban hành, góp ý nhiều văn bản pháp lý, tạo điều kiện quản lý, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu vệ tinh – như góp ý cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 03/2019/NĐ-CP về hoạt động viễn thám. Song song đó, Bộ đang xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm vũ trụ lưỡng dụng giữa dân sự và quốc phòng – an ninh.

Về hội nhập quốc tế, Bộ KH&CN chủ trì các thủ tục đăng ký, phối hợp tần số, quỹ đạo vệ tinh với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và các quốc gia liên quan; đồng thời hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ quy định khi khai thác tài nguyên quỹ đạo – tần số.

Đối với phát triển nhân lực và hạ tầng, Chính phủ tiếp tục ưu tiên đào tạo các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hàng không – vũ trụ, đầu tư trọng điểm cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nâng cấp các phòng thí nghiệm, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh tại viện nghiên cứu, trường đại học.

Về ứng dụng, Việt Nam đã có kế hoạch thay thế hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 để đảm bảo năng lực viễn thông quốc gia; phát triển hệ thống định vị dẫn đường nội địa, giảm phụ thuộc vào GPS toàn cầu; đồng thời nghiên cứu khí quyển, phát triển công nghệ thông qua các phương tiện bay tầng bình lưu và khinh khí cầu.

Đặc biệt, Việt Nam đang mở rộng hợp tác với các tổ chức vũ trụ hàng đầu như NASA (Hoa Kỳ), JAXA (Nhật Bản), CNES (Pháp)…, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tham gia xây dựng hệ sinh thái công nghệ vũ trụ quốc gia.

Xây dựng kinh tế vũ trụ – chiến lược dài hạn, tầm nhìn 2050

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho rằng, để vượt qua rào cản và đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới, Việt Nam cần một chiến lược dài hơi, không chỉ dừng ở 5-10 năm mà phải có tầm nhìn đến 2040, 2050, kèm theo đó là cơ chế tài chính ổn định để bảo đảm các mục tiêu không bị gián đoạn.

Ông cho biết, hiện các hoạt động liên quan đến vũ trụ vẫn đang được điều phối phân tán giữa nhiều bộ, ngành, trong khi Ủy ban Vũ trụ Việt Nam mới chỉ đóng vai trò như một ban chỉ đạo tư vấn, chưa có đủ thẩm quyền điều hành tập trung. Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Việt Nam nên nghiên cứu thành lập một cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia độc lập, trực thuộc Chính phủ, tương tự mô hình Philippines và nhiều quốc gia khác, nơi đã xây dựng luật vũ trụ và hệ thống quản lý tập trung.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, kinh tế vũ trụ toàn cầu đang trên đà bùng nổ, dự báo sẽ cán mốc 1.400 tỷ USD vào năm 2030. Nhiều tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới đã đổ vốn mạnh mẽ vào lĩnh vực này, chứng tỏ tiềm năng thương mại khổng lồ. Việt Nam cần sớm xác định vũ trụ không chỉ là lĩnh vực công nghệ mũi nhọn mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mở ra hàng loạt cơ hội phát triển từ vệ tinh, viễn thông cho đến các dịch vụ dữ liệu, ứng dụng dân sự và công nghiệp.

Một tín hiệu tích cực là dự kiến trong tháng 9 tới, Trung tâm Khám phá Vũ trụ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ chính thức đi vào hoạt động, mở cửa thường xuyên đón công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ tới tham quan, học hỏi và nuôi dưỡng đam mê với khoa học không gian.

Từ những chia sẻ và hiến kế của các chuyên gia, có thể thấy công nghệ vũ trụ Việt Nam đang đứng trước cơ hội vươn mình thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần khẳng định năng lực công nghệ quốc gia. Để hiện thực hóa khát vọng đó, rất cần một chiến lược phát triển dài hạn, một cơ chế vận hành linh hoạt và quan trọng nhất là sự đầu tư đúng mức cho con người - yếu tố cốt lõi quyết định thành công. Khi khơi thông được những “điểm nghẽn” này, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin chinh phục không gian, làm chủ công nghệ và tạo ra những giá trị bền vững cho các thế hệ mai sau.

Hồng Minh

Gửi Bình Luận

code

Tin liên quan

Tin tức

Nông nghiệp - Môi trường sau sáp nhập: Chung sức vượt khó, vững vai trụ cột

Thủ tướng: Tạo đột phá về năng lực phòng chống thiên tai, lập phương án sơ tán đến từng hộ dân

Việt Nam và Senegal ký Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác nông nghiệp toàn diện

Mía đường - điểm sáng trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Vân Nam

Nông nghiệp

Tỉnh Cà Mau công bố hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Quảng Trị: Mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào hai bên biên giới Việt - Lào

Không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều TP. Hồ Chí Minh

Sẽ có 300 gian hàng tham gia Hội chợ các sản phẩm OCOP xuất khẩu - VIETNAM OCOPEX 2025

Tài nguyên

Tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án khoáng sản chiến lược

Rà soát, chuẩn hoá lại các thủ tục hành chính về đất đai

Tập trung điều tra địa chất và khoáng sản biển

Quảng Ninh: Chủ động quản lý khoáng sản, hướng tới phát triển bền vững

Môi trường

Giải pháp xây dựng lộ trình cho khu vực phát thải thấp ở Việt Nam

Phân loại rác và nói không với thuốc lá - Hướng đến môi trường y tế an toàn

Hà Nội: Phường Kiến Hưng đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường, trật tự đô thị

Đồng Tháp: Tích cực thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ

Video

Giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn

Nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học trên Tạp chí in Tài nguyên và Môi trường

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Khoa học

Nâng cao hiệu quả nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững cho nông dân

Bắc Ninh bổ nhiệm các lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh

Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường đạt điểm cao trong Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư nhà nước

Hội thảo Tăng cường huy động khu vực tư nhân trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam

Chính sách

Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ

Tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả

Bộ NN-MT yêu cầu địa phương khẩn trương gia cố tuyến đê trực diện biển

Hà Đông: Hàng chục hộ dân khổ sở lâm cảnh ngập, bụi, ô nhiễm vì đường nâng cao hơn nhà

Phát triển

Bắc Ninh ra quân trấn áp mạnh vi phạm giao thông ngay sau bão số 3

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng và quy đổi tương đương giữa các phương án tuyển sinh

Bắc Ninh: Trao Huân chương Lao động hạng Ba cho nguyên Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Bệnh viện Quân y 5: Xanh không gian - Sáng tấm lòng

Diễn đàn

Cà Mau: Đặt mục tiêu tăng trưởng 8,8% vào 6 tháng cuối năm 2025

Thời tiết ngày 24/7: Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục mưa to

Thời tiết ngày 23/7: Bắc Bộ tiếp tục mưa to

Thời tiết ngày 22/7: Khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to