
Trường Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh: Muốn vươn xa, cần đầu tư bài bản
24/07/2025TN&MTNgày 23/7 vừa qua, tại buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc khu vực phía Nam, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đã trực tiếp lắng nghe nhiều ý kiến, đề xuất thiết thực từ các cơ sở đang hoạt động trên “mặt trận” nghiên cứu, đào tạo, sản xuất của ngành. Trong đó, kiến nghị của PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm khi chạm đúng “điểm nghẽn” lâu nay: nguồn lực đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và hợp tác quốc tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu thực tế.
Phối cảnh trụ sở mới của Trường tại Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh
Vai trò của một cơ sở đào tạo trọng điểm phía Nam
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh được coi là “cánh tay nối dài” về đào tạo và nghiên cứu khoa học của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại khu vực phía Nam - nơi chiếm trên 50% sản lượng nông nghiệp cả nước, đồng thời đang phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, sụt lún, xâm nhập mặn, suy thoái tài nguyên, yêu cầu tái cơ cấu ngành gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh…, nhiều năm qua, Nhà trường đã chủ động mở rộng các chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, địa phương. Sinh viên của trường có cơ hội thực hành, thực tập, tham gia nghiên cứu ứng dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, từ đó hình thành năng lực làm việc thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Nhờ đổi mới tư duy đào tạo, gắn chặt lý thuyết với thực hành, kết nối cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, địa phương, trường đã góp phần cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam một lực lượng kỹ sư, cử nhân, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia có chất lượng, đủ năng lực tham gia các dự án lớn về quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, như PGS.TS Huỳnh Quyền đã thẳng thắn chỉ ra: “Để bắt kịp yêu cầu thực tiễn, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang thay đổi nhanh chóng các mô hình sản xuất, quản lý, chúng tôi rất mong Bộ quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa. Trước hết là cho phép nhà trường tham gia nhiều hơn vào các đề án lớn của ngành, mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế, đồng thời có chính sách đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo công nghệ cao.”
PGS.TS Huỳnh Quyền mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm đầu tư mạnh hơn cho đào tạo và hợp tác quốc tế.
Nút thắt về cơ sở vật chất và cơ hội hợp tác quốc tế
Nhiều năm qua, câu chuyện thiếu nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu chuyên ngành Nông nghiệp - Môi trường không phải là mới. Ở khu vực phía Nam, điều này càng bộc lộ rõ khi yêu cầu phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển chuỗi giá trị gia tăng cao đang đặt ra ngày một cấp bách.
Đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, song thiết bị phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng mô phỏng công nghệ còn hạn chế, khó đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu chuyên sâu, chuyển giao công nghệ cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo mà còn là rào cản để trường mở rộng các chương trình liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên với các đối tác quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài để tiếp cận các mô hình quản trị hiện đại, công nghệ mới là xu hướng tất yếu. Thực tế, Nhà trường đã và đang xúc tiến nhiều chương trình hợp tác với các trường, viện uy tín ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, tuy nhiên thiếu cơ chế, thiếu nguồn lực đầu tư nên nhiều cơ hội vẫn còn dang dở. Nếu không có chính sách khơi thông, thì khả năng tiếp cận tri thức mới, công nghệ cao, xu hướng quản trị tiên tiến sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực ngành.
Tầm nhìn phát triển gắn với chỉ đạo đổi mới tư duy
Đề xuất của PGS.TS Huỳnh Quyền cũng rất phù hợp với tinh thần chỉ đạo mà Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng đã nhấn mạnh: Phía Nam cần phát huy vai trò trung tâm sản xuất chiến lược, đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và thúc đẩy liên kết vùng. Muốn vậy, yếu tố con người, tức nguồn nhân lực chất lượng cao phải được đặt lên hàng đầu.
Đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là nhiệm vụ riêng của các trường, mà cần sự đồng hành, đầu tư từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ chủ quản. Chỉ khi Nhà trường được tham gia vào các đề án lớn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hợp tác quốc tế, được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại thì mới có thể đào tạo ra đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng thực tiễn.
Hơn nữa, khi Nhà trường được tạo điều kiện phát triển, hình thành các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, các phòng thí nghiệm hiện đại, thì bản thân trường cũng trở thành hạt nhân lan tỏa tri thức, chuyển giao công nghệ, phục vụ trực tiếp cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon mà Chính phủ và ngành Nông nghiệp - Môi trường đang nỗ lực hướng tới.
Cần cơ chế đột phá để giữ và thu hút nhân tài
Một vấn đề khác cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn: Muốn phát triển mạnh mẽ nghiên cứu và đào tạo công nghệ cao thì không thể chỉ trông chờ vào tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết tự thân của đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu. Hiện nay, cơ chế tài chính, chính sách đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn khiến nhiều nhà khoa học giỏi, đặc biệt là chuyên gia trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, chưa mặn mà gắn bó lâu dài với các cơ sở đào tạo công lập.
Để giữ chân và thu hút nhân tài, Nhà trường rất cần những cơ chế đột phá từ Bộ, từ Chính phủ - chẳng hạn như chính sách tự chủ tài chính phù hợp, cơ chế khoán chi nghiên cứu, tạo điều kiện tuyển dụng chuyên gia quốc tế, đồng thời kết nối mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp để có nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho nghiên cứu và thực hành.
PGS.TS Huỳnh Quyền báo cáo với Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng tại buổi làm việc ngày 23/7
Từ lắng nghe đến hành động thiết thực
Điều đáng mừng là, tại buổi làm việc ngày 23/7, Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng đã thể hiện tinh thần cầu thị, quyết liệt đổi mới, coi các đơn vị tại phía Nam không chỉ là “cánh tay nối dài” mà là trung tâm điều phối các sáng kiến, mô hình phát triển tiên tiến. Đây chính là “lời cam kết” tạo động lực để những kiến nghị, đề xuất từ cơ sở như Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh sớm được hiện thực hóa bằng những cơ chế, quyết sách cụ thể.
Bài toán phát triển ngành Nông nghiệp và Môi trường phía Nam bền vững, hiện đại không thể thiếu mắt xích nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, hội nhập quốc tế. Muốn vậy, cần đặt cơ sở đào tạo vào đúng vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, đầu tư bài bản cho nghiên cứu ứng dụng, hợp tác quốc tế và đổi mới công nghệ.
Chỉ khi ấy, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cũng như các cơ sở đào tạo trọng điểm khác mới thực sự phát huy vai trò là “vườn ươm” nhân lực xanh, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa nông nghiệp Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới: xanh hơn, công nghệ cao hơn và bền vững hơn.
Hồng Minh