
Thời tiết diễn biến bất thường, ngành trồng trọt vẫn trụ vững nhờ chủ động và đổi mới
24/07/2025TN&MTTrong bối cảnh thời tiết 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với những tác động từ thị trường thế giới, ngành trồng trọt Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương, sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch hại, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ngành trồng trọt đã bảo vệ được sản xuất, giữ vững an ninh lương thực, duy trì tăng trưởng xuất khẩu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ động trong sản xuất, bám sát thực tiễn từng vùng miền
Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, cả nước đã gieo cấy 2,97 triệu ha lúa, tăng 16,2 nghìn ha (0,5%) so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù năng suất lúa bình quân đạt 68,5 tạ/ha, giảm nhẹ 0,3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2024 do thời tiết bất lợi, song nhờ mở rộng diện tích, sản lượng đạt 20,4 triệu tấn, tăng 17,3 nghìn tấn.
Các Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vùng đã phối hợp chặt chẽ với các Chi cục địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng vụ (Đông Xuân, Hè Thu, Mùa). Cơ cấu giống và lịch thời vụ được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng vùng sinh thái, đặc biệt chú trọng các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ảnh minh họa
Vụ Hè Thu 2025, tổng diện tích xuống giống đạt 1,773 triệu ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng vùng ĐBSCL đạt 1,369 triệu ha, tăng 2%. Đến thời điểm hiện tại, đã có 241,7 nghìn ha lúa Hè Thu được thu hoạch sớm, tăng 2,6%.
Linh hoạt ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai
Thời tiết cực đoan vẫn là thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Trong vụ Đông Xuân, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tại vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến 125 ha sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương chủ động điều chỉnh sản xuất, phối hợp điều tiết nguồn nước liên vùng.
Mưa lớn cục bộ trong một số đợt tại Sóc Trăng (cũ) và Kiên Giang (cũ) đã làm 220,6 ha lúa bị ngập úng, đổ ngã. Tại Bình Dương (cũ), mưa lớn cũng gây thiệt hại cho 105 ha rau màu (trên 70% diện tích bị ảnh hưởng) và làm 10 ha cao su bị đổ ngã.
Đáng chú ý, cơn bão số 1 trong tháng 6/2025 gây mưa lũ lớn tại khu vực miền Trung, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống người dân. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổ chức xuất cấp 290 tấn hạt giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ khôi phục sản xuất tại hai tỉnh chịu thiệt hại nặng là Quảng Trị và TP. Huế.
Tại Bắc Trung Bộ, khí hậu biến động bất thường đã khiến 8.341 ha lúa, ngô, rau màu bị thiệt hại từ 30 - 70% năng suất. Nhìn chung, trong điều kiện thời tiết khó lường, ngành trồng trọt đã thể hiện sự linh hoạt và chủ động trong chỉ đạo điều hành, giúp hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất.
Giữ vững công tác phòng, chống sinh vật gây hại (SVGH)
Mạng lưới chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả trong phòng, chống sinh vật gây hại. Các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) chủ động điều tra, dự tính, dự báo và cảnh báo sớm các đối tượng hại chính như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, sâu đục thân, chuột, bọ trĩ,...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ứng dụng bẫy đèn thông minh để theo dõi mật độ sâu, kết hợp phân tích hướng gió và thời gian phát dục để dự báo chính xác thời điểm sâu rầy nở rộ. Mô hình diệt chuột an toàn, không hóa chất cũng được đẩy mạnh với sự tham gia của cộng đồng, góp phần bảo vệ mùa màng và môi trường sinh thái.
Tăng trưởng sản lượng, mở rộng diện tích cây lâu năm
Tổng diện tích cây lâu năm trên cả nước đạt 3,823 triệu ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm cây ăn quả chiếm tỷ trọng cao với 1,317 triệu ha, đặc biệt là sầu riêng (tăng 11,3%), mít (tăng 3,6%) và dứa (tăng 2,7%).
Nhờ thời tiết thuận lợi và áp dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành trồng trọt.
Diện tích trồng cây ăn quả tiếp tục mở rộng, đặc biệt tại các vùng chuyên canh phía Nam và Tây Nguyên. Việc cải tiến kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại sinh học, sử dụng phân hữu cơ và hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Cụ thể: Xoài: 720,2 nghìn tấn (tăng 9%); Sầu riêng: 534,6 nghìn tấn (tăng 16,3%); Mít: 462,2 nghìn tấn (tăng 17,3%); Dứa: 443 nghìn tấn (tăng 16,3%); Nhãn: 211,6 nghìn tấn (tăng 6,8%); Vải: 163,8 nghìn tấn (tăng 30,8%).
Về cây công nghiệp lâu năm: Hồ tiêu: 258 nghìn tấn (tăng 6,4%); Cao su: 427,3 nghìn tấn (tăng 1,9%); Chè búp: 546,6 nghìn tấn (tăng 2,9%); Điều: 294,1 nghìn tấn (tăng 0,7%); Dừa: 1,122 triệu tấn (tăng 4,9%).
Xuất khẩu khả quan, nhiều mặt hàng đạt giá trị cao
Trong 6 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 18,46 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: Cà phê: 5,45 tỷ USD (tăng 67,5%), giá bình quân 5.708 USD/tấn; Hạt tiêu: 859,6 triệu USD (tăng 35,7%), giá bình quân 6.881 USD/tấn; Hạt điều: 2,36 tỷ USD (tăng 20,4%); Cao su: 1,27 tỷ USD (tăng 14,4%) dù khối lượng giảm; Sắn và sản phẩm từ sắn: 711,5 triệu USD (tăng 12,8%).
Tuy nhiên, một số mặt hàng có sự sụt giảm: Gạo, khối lượng xuất khẩu tăng 7,6%, nhưng giá trị giảm 12,2% do giá xuất khẩu bình quân giảm 18,4%; Chè, giảm 7,5% cả về khối lượng và giá trị; Rau quả, giảm 8,4% về giá trị, nguyên nhân chính do thị trường Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Định hướng phát triển, đối mặt với những biến động bất thường của thời tiết và thị trường, ngành trồng trọt Việt Nam xác định tái cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả (đặc biệt là đất lúa thiếu nước, đất bạc màu, ven đô...) sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Quá trình chuyển đổi được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá sát thực điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng và định hướng thị trường.
Sỹ Tùng - Mạnh Hải