
Doanh nghiệp nông sản Việt trên hành trình xanh hóa: Đổi mới để phát triển bền vững
26/07/2025TN&MTSáng 26/7, tại Hà Nội, Hội nghị chuyên đề “Đổi mới để phát triển bền vững - Chiến lược xanh cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình” đã thu hút sự quan tâm của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các làng công nghệ. Chương trình không chỉ là cơ hội kết nối mà còn là diễn đàn để đưa ra những giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chương trình do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội - Sở Tài chính Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng Campus-K, Công ty Cổ phần SEACO và Ban vận động thành lập Hiệp hội Chuyển đổi Xanh tổ chức. Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Trưởng phòng Tư vấn doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội (Sở Tài chính Hà Nội) và TS. Hoàng Hải Yến- Giám đốc Campus K chủ trì Hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan phát biểu khai mạc Hội nghị
Xanh hóa - yêu cầu sống còn của doanh nghiệp nông sản Việt
Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Thị Hương Lan - đại diện Ban Tổ chức nhấn mạnh: “Trong bối cảnh toàn cầu thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh, thực hiện các cam kết tại COP26 và COP28, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang chịu nhiều áp lực trong việc thích ứng và chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, giảm phát thải và số hóa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thông tin, vốn, công nghệ và chính sách đồng hành.”
Trước những thách thức đó, Hội nghị lần này được tổ chức với mục tiêu thiết thực: tạo không gian để doanh nghiệp học hỏi mô hình kinh tế tuần hoàn, tiếp cận công nghệ xanh, xúc tiến sản phẩm ra thị trường quốc tế - đặc biệt là Thái Lan và kết nối các mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái phát triển bền vững.
Không còn là lựa chọn mang tính thiện chí hay một xu hướng tạm thời, chuyển đổi xanh giờ đây đã trở thành yêu cầu tất yếu, thậm chí là điều kiện sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hậu COP28, khi các quốc gia và thị trường toàn cầu đang gia tăng áp lực giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hơn 70% các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu thiết lập các rào cản xanh thông qua cơ chế kiểm định phát thải, tiêu chuẩn ESG, kiểm toán môi trường và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Thái Lan đang ngày càng siết chặt các điều kiện nhập khẩu đối với hàng hóa không đáp ứng tiêu chí môi trường. Điều này buộc các doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản, chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ phải nhanh chóng chuyển mình.
Chia sẻ tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Hương Lan nhận định: “Không chuyển đổi là tụt lại. Không số hóa, không xanh hóa thì sản phẩm Việt rất khó giữ được thị phần, kể cả trong nước, chưa nói đến xuất khẩu. Trong bối cảnh cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 đã được đưa ra, thì từng doanh nghiệp, từng ngành hàng đều phải hành động.”
Thực tế hiện nay cho thấy nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động tiếp cận mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh doanh có trách nhiệm. Tuy nhiên, họ vẫn đối mặt với vô vàn thách thức. Từ việc thiếu vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ, thiếu thông tin về tiêu chuẩn xanh quốc tế, cho đến việc chưa có chính sách khuyến khích đủ mạnh từ Nhà nước. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng chưa bền vững và nhận thức chưa đầy đủ của người tiêu dùng trong nước cũng khiến sản phẩm xanh gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Thu phát biểu tại Hội nghị
Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia nhấn mạnh trong tham luận: “Chuyển đổi xanh không phải chỉ là thay một chiếc máy tiết kiệm điện, hay trồng thêm vài cây xanh. Đó là sự đổi mới toàn diện từ chiến lược, mô hình vận hành đến văn hóa doanh nghiệp. Cần đào tạo lại đội ngũ, thay đổi chuỗi cung ứng, số hóa dữ liệu carbon, và đặc biệt là phải đo lường, báo cáo được hiệu quả môi trường một cách minh bạch.”
Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) - chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, câu chuyện càng trở nên nan giải hơn. Theo khảo sát của Ban Tổ chức, có đến 65% doanh nghiệp nhỏ chưa biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi xanh. Một số còn cho rằng đầu tư xanh là “sân chơi của doanh nghiệp lớn”, do thiếu thông tin và nguồn lực. Đây chính là khoảng trống cần sự hỗ trợ từ các chính sách tài chính xanh, kết nối quỹ đầu tư, và tư vấn đồng hành từ các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Công Hoà chia sẻ tại Hội nghị
Từ góc độ công nghệ, ông Trần Công Hoà - Chủ tịch Tập đoàn Mai Hoa chia sẻ rằng, việc chuyển đổi xanh không nên chỉ dừng lại ở việc thay đổi nguyên liệu hay dây chuyền, mà cần tích hợp vào từng sản phẩm, theo cách sáng tạo và gần gũi nhất với người tiêu dùng.
“Chúng tôi muốn mỗi không gian sống đều có thể ‘thở’ - không chỉ bằng máy lọc khí, mà bằng chính những vật dụng gần gũi như tranh treo tường, đèn trang trí. Nghệ thuật và công nghệ xanh có thể kết hợp để tạo ra giải pháp lọc không khí thụ động, không dùng điện, vận hành bền bỉ mà vẫn bảo đảm thẩm mỹ,” ông Hoà nói!.
Theo ông, dòng sản phẩm tranh và đèn tranh Nano AirPurity được MaiHoa Group phát triển đã mở ra một cách tiếp cận mới cho khái niệm “xanh hóa không gian sống”. Thay vì chỉ “làm sạch bằng máy móc”, doanh nghiệp nên nghĩ tới những giải pháp ít tiêu hao năng lượng, dễ ứng dụng và mang tính bền vững dài hạn.
“Xanh không nhất thiết phải đắt đỏ hay phức tạp. Vấn đề là cách nghĩ - làm sao để công nghệ xanh đi vào từng ngóc ngách cuộc sống một cách hữu cơ, hiệu quả và có chiều sâu.”- Ông Hoà nói!
Có thể thấy, xanh hóa không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là câu chuyện niềm tin, nhận thức và chiến lược dài hạn. Doanh nghiệp cần đồng hành, nhưng cũng cần dẫn đầu – bởi trong cuộc đua xanh, ai đi trước sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị phần và ghi điểm trong mắt người tiêu dùng quốc tế.
Các đại biểu tham gia Hội nghị
Quy tụ nhiều diễn giả tên tuổi
Hội nghị vinh dự đón tiếp sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế - môi trường và nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, công nghệ sạch và giải pháp ESG.
Trong đó có TS. Lê Văn Tri, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Sinh học và Môi trường, Chủ tịch Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam; TS. Nguyễn Đắc Bình Minh- Phó Viện trưởng Viện ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN); TS. Trịnh Bá Dương - Giám đốc chương trình Ready2Thai - Techfest International Investment, Chủ tịch chương trình Asean Hub; bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia; TS. Dương Thị Kim Liên - Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo; ông Trần Công Hoà - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Hoa; và bà Hoàng Hải Yến - Giám đốc Tài chính Campus-K.
Đặc biệt, có hơn 200 doanh nghiệp tham dự, đại diện cho các lĩnh vực: nông sản xanh, giải pháp công nghệ và đầu tư bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Từ chiến lược đến hành động: Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn
Tại phiên tham luận đầu tiên, ông Trịnh Bá Dương mở đầu với chủ đề: “Các tiêu chí đưa sản phẩm doanh nghiệp xanh ra thị trường Thái Lan”. Theo ông Dương, các sản phẩm xanh muốn thâm nhập thị trường quốc tế không chỉ cần đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm định khắt khe, mà còn phải kể một câu chuyện thương hiệu gắn với bền vững. “Thị trường Thái Lan rất ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên nhưng yêu cầu minh bạch về quy trình sản xuất và chứng chỉ môi trường. Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ hồ sơ, chứng nhận và đặc biệt là tư duy truyền thông hiện đại,” ông Dương nhấn mạnh!.
Ông Trịnh Bá Dương phát biểu tham luận
Tiếp lời, bà Nguyễn Thị Thu chia sẻ về “Chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ mới”. Bà nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh không chỉ là trào lưu mà là con đường tất yếu. Nhưng muốn chuyển đổi hiệu quả, doanh nghiệp nông nghiệp phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy quản trị, tích hợp ESG (môi trường – xã hội – quản trị) vào mọi hoạt động.”
Một điểm sáng trong chuỗi chia sẻ là phần trình bày của ông Trần Công Hoà - Chủ tịch Tập đoàn Mai Hoa với giải pháp độc đáo “Nano Airpurity - kháng khuẩn, khử mùi, làm sạch không khí bằng tranh in, đèn tranh”. Ông Hoà cho biết: “Giải pháp của chúng tôi sử dụng vật liệu nano không cần dùng điện, có hiệu quả bền vững trong 10 năm. Đây là mô hình phù hợp với văn phòng, bệnh viện, trường học - những không gian công cộng cần không khí sạch nhưng tiết kiệm năng lượng.”
Tọa đàm chuyên sâu: Bài học từ thực tiễn
Tại phiên tọa đàm diễn ra sau đó, các chuyên gia và doanh nghiệp đã cùng trao đổi xoay quanh chủ đề: “Giải pháp hiện thực hóa chiến lược xanh - từ công nghệ, vốn đến thị trường”.
TS. Lê Văn Tri chia sẻ về phân bón sinh học và vấn đề ô nhiễm môi trường
Tiến sĩ Lê Văn Tri thẳng thắn cho rằng một trong những nguyên nhân âm thầm gây ô nhiễm môi trường nông thôn chính là việc lạm dụng phân bón hóa học và tập quán đốt rơm rạ sau thu hoạch.
“Phân bón vô cơ đang làm mất cân bằng hệ sinh thái đất, gây thoái hóa đất canh tác nghiêm trọng, nhất là ở các vùng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long. Mỗi vụ thu hoạch xong lại đốt rơm rạ, khói bụi bay mù trời không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm mất nguồn hữu cơ quý giá,” ông Tri nhấn mạnh!.
Theo ông, nếu không thay đổi tư duy canh tác, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: đất ngày càng nghèo dinh dưỡng, phải tăng lượng phân bón, tăng chi phí đầu vào, trong khi chất lượng nông sản lại giảm.
“Cần phục hồi lại chất đất. Muốn làm được điều đó, phải giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Phải tận dụng rơm rạ để ủ phân, cải tạo đất thay vì đốt bỏ, đó là một mắt xích quan trọng trong nông nghiệp xanh,” ông nói thêm.
Từ kinh nghiệm nghiên cứu và triển khai thực địa tại nhiều địa phương, TS. Tri cho rằng chuyển đổi xanh không thể thành công nếu thiếu thay đổi từ gốc rễ là nhận thức của người sản xuất. Ông cũng kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận các mô hình phân bón sinh học, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn trong nước mà còn mở đường ra thị trường quốc tế.
Trả lời câu hỏi về khả năng cạnh tranh của sản phẩm tranh lọc khí nano so với các thiết bị lọc không khí truyền thống, ông Trần Công Hoà nhấn mạnh: “Khác biệt cốt lõi là giải pháp của chúng tôi hoàn toàn không dùng điện, không tạo tiếng ồn, không cần bảo trì định kỳ, có thể hoạt động bền bỉ trong suốt 10 năm. Đó là sự đột phá cả về công nghệ lẫn chi phí vận hành.”
Một số đại biểu cũng nêu quan điểm rằng, để mô hình doanh nghiệp xanh phát triển bền vững, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện tiếp cận tài chính xanh và ưu đãi đầu tư cho các dự án thân thiện với môi trường.
Nhiều gian hàng nông sản được triển lãm và bày bán bên lề Hội nghị
Lan tỏa tinh thần đổi mới - kết nối để bứt phá
Phát biểu tổng kết hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức TS. Hoàng Hải Yến cho biết: “Hội nghị hôm nay đã đề cập đến nhiều nội dung cốt lõi của chuyển đổi xanh, từ kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ, đến xúc tiến đầu tư - thương mại xanh và xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững.”
Thông điệp xuyên suốt của chương trình là “mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân đều là một mắt xích quan trọng trên hành trình xanh hóa nền kinh tế Việt Nam”. Chuyển đổi xanh không thể đơn độc – đó là tiến trình đòi hỏi sự phối hợp giữa doanh nghiệp - công nghệ - nhà đầu tư - chính sách và truyền thông.
Tiếp lời bà Yến, bà Nguyễn Thị Hương Lan - đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng rằng, từ những thông tin và kết nối hôm nay, các doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong chiến lược xanh hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, và từng bước hiện thực hóa khát vọng hội nhập bền vững.”
Sau phần làm việc, các đại biểu đã tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản sạch, công nghệ xanh và giải pháp ESG, cũng như chụp ảnh lưu niệm khép lại một buổi sáng làm việc hiệu quả, truyền cảm hứng và thiết thực.
Minh Sang