
Dự án Đô thị Huế giảm nhựa - Bài 3: Dấu ấn mô hình “Trường học giảm nhựa”
21/12/2024TN&MTDự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc đối với cộng đồng khi tổ chức thực hiện mô hình trường học giảm nhựa độc đáo, hiệu quả. Mô hình để lại ấn tượng bởi sự gần gũi, mộc mạc, nhưng không kém phần hấp dẫn, lôi cuốn, các hoạt động giáo dục môi trường để hình thành thói quen và hành vi giảm nhựa từ khi các em còn nhỏ, từ đó lan tỏa ra cộng đồng và gia đình, mô hình đã đóng góp lớn vào sự thành công của dự án.
Hình thành thói quen giảm nhựa từ … học đường
Kế hoạch quản lý rác thải nhựa (RTN) trên địa bàn thành phố Huế đã đề ra một nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa một lần nói riêng và RTN nói chung. Điều này đã được thực hiện thông qua việc lồng ghép chủ đề ô nhiễm RTN vào nội dung giáo dục ở các cấp học, đồng thời xây dựng các bộ tài liệu và tập huấn cho giáo viên. Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cũng xác định đối tượng học sinh tiểu học và THCS là các đối tượng ưu tiên triển khai các hoạt động giáo dục môi trường để hình thành thói quen và hành vi giảm nhựa từ khi các em còn nhỏ, từ đó lan tỏa ra cộng đồng và gia đình.
Vì vậy, trong khuôn khổ Dự án, WWF-Việt Nam đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế để tài trợ cho 52 trường học (gồm 01 trường mầm non, 30 trường tiểu học và 21 trường THCS) trên địa bàn 19 phường/xã tham gia dự án triển khai các mô hình trường học giảm thiểu RTN cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và cán bộ giáo viên về tác động của RTN. Để các hoạt động phù hợp với điều kiện của từng trường học, các cán bộ dự án đã làm việc sát sao với trường để lên kế hoạch ngay từ đầu mỗi năm học nhằm đảm bảo các hoạt động diễn ra liên tục trong suốt năm học. Các hoạt động được chia ra hai nhóm chính bao gồm hoạt động chính khóa và hoạt động ngoại khóa.
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc đối với cộng đồng khi tổ chức thực hiện mô hình trường học giảm nhựa độc đáo (Ảnh: WWF - Việt Nam)
Đối với hoạt động chính khóa: Lồng ghép các nội dung về PLRTN và giảm thiểu RTN vào tiết học, dự án đã phối hợp với tư vấn biên soạn và phát hành tài liệu tham khảo “Hướng dẫn dạy học lồng ghép giảm thiểu RTN vào Chương trình giáo dục phổ thông tại thành phố Huế”. Tài liệu này bao gồm các bài soạn và hoạt động giáo dục có thể sử dụng cho 54 tiết học ở hai cấp tiểu học và THCS. Nội dung tài liệu tập trung vào một số môn học chính bao gồm Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Tiếng Việt, Tiếng Anh (chương trình tiểu học); Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Ngữ văn và Địa lí - Lịch sử (chương trình THCS).
Đối với các hoạt động ngoại khóa, dự án phối hợp cùng với các trường để triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thu hút với sự tham gia của nhiều bên liên quan như HEPCO, các đoàn thể địa phương và tiểu thương tại các chợ. Qua những hoạt động tương tác với cộng đồng bên ngoài nhà trường như tặng túi giấy cho tiểu thương tại chợ hay tham gia trình diễn văn nghệ cùng Hội Cựu chiến binh địa phương, trải nghiệm một ngày làm công nhân môi trường, học sinh có thêm nhiều cơ hội để lan tỏa kiến thức về PLRTN và giảm thiểu RTN tới nhiều đối tượng khác. Bên cạnh đó, học sinh cũng hiểu hơn về sự vất vả, nỗ lực của những “người hùng” luôn cống hiến thầm lặng giữ gìn “Xanh - Sạch - Sáng” cho thành phố Huế. Học sinh các trường được tiếp cận thông tin về PLRTN và giảm thiểu RTN thông qua các cuộc thi như Rung Chuông vàng, thi hùng biện, vẽ tranh và thiết kế bìa sách,… cùng với các buổi tuyên truyền dưới cờ. Nội dung này còn được các em chuyển tải qua chương trình phát thanh măng non tại trường để tất cả học sinh đều được tiếp cận.
Dự án phối hợp cùng với các trường để triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thu hút với sự tham gia của nhiều bên (Ảnh: WWF- Việt Nam)
Ngoài ra, học sinh còn được tham gia vào những đợt kiểm toán rác tại trường để nắm bắt tình hình phát thải tại chính nơi học tập của trường mình. Khối lượng và số lượng mảnh rác mà mỗi nhóm thu thập phản ánh những thói quen của học sinh và nhân viên khối văn phòng, từ đó giúp nhà trường xây dựng các nội quy và kế hoạch để góp phần giảm thiểu lượng rác phát sinh, đặc biệt là các loại nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, để tạo thói quen tách riêng rác tái chế, hoạt động “Đổi rác lấy quà” đã được thực hiện tại mỗi trường và đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh.
Tại mỗi trường tham gia dự án, các Câu lạc bộ “Em yêu môi trường” đã được thành lập. Đây là nơi các học sinh tham gia những buổi sinh hoạt với những nội dung về BVMT được thầy cô phụ trách truyền tải lần lượt theo từng chủ đề nhỏ. Trong đó, các học sinh trở thành những “Đại sứ xanh” tham gia thực hành PLRTN và giảm thiểu RTN tại trường học cũng như tại gia đình theo phương pháp Giáo dục hành động (GDHĐ). Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên nhí trong chính lớp học và gia đình của các em. Thành viên câu lạc bộ được hướng dẫn sử dụng bảng kiểm với 9 hành động thuộc 3 nhóm (PLRTN, giảm thiểu RTN tại trường học và giảm thiểu RTN 34 trong sinh hoạt hàng ngày) và cách ghi nhận lại những thực hành tốt của các em định kỳ theo từng tháng. Những ghi nhận này sẽ được phụ huynh và giáo viên phụ trách câu lạc bộ tổng hợp để tuyên dương những nỗ lực của các em nhằm tạo thêm động lực cho các em duy trì hành động tích cực. Để giúp các trường làm quen với cách tiếp cận của phương pháp GDHĐ, Dự án đã thực hiện 01 lớp tập huấn và thử nghiệm dành riêng cho các trường Tiểu học và THCS với sự tham gia của 150 giáo viên vào ngày 26/10/2023, đồng thời, cán bộ dự án cũng đã đồng hành cùng các trường xuyên suốt quá trình triển khai, từ tháng 11/2023 đến hết tháng 5/2024.
Mô hình có sức lan tỏa lớn trong môi trường học đường (Ảnh: WWF - Việt Nam)
Trường học “xanh”
Để cải thiện công tác QLCTR trong trường học, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động đã đề cập ở trên, Dự án còn hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cơ sở vật chất cho các trường gồm: thùng phân loại, ngôi nhà xanh và mô hình ủ phân từ rác thải hữu cơ dễ phân hủy. Mô hình ủ rác hữu cơ chủ yếu sử dụng lượng rác vườn ở trường, rác nhà bếp chỉ chiếm một lượng nhỏ, không đáng kể. Do các trường thực hiện mô hình này có lượng cây cối nhiều nên nguồn nguyên liệu ủ dồi dào, nếu được tận dụng sẽ giảm khối lượng rác phát sinh từ trường. Bên cạnh đó, thành phẩm phân khô/phân nước có thể được sử dụng để bón lại cho cây trồng trong trường hoặc vườn rau, từ đó tạo ra các mô hình thực nghiệm đa dạng để học sinh có cơ hội tương tác và trải nghiệm.
Từ năm 2022 đến nay, dự án đã tài trợ và thúc đẩy 52 trường thực hành mô hình giảm nhựa. Tổng cộng có 17.442 học sinh và giáo viên tham gia các hoạt động và mô hình với 88 tiết học được lồng ghép và 25 câu lạc bộ “Em yêu môi trường” được thành lập, thu hút hơn 500 học sinh tham gia triển khai phương pháp Giáo dục hành động. Tiết học trải nghiệm là tiết học được lựa chọn để lồng ghép nhiều nhất do tính linh hoạt trong nội dung, giúp giáo viên dễ dàng truyền tải kiến thức thông qua hình ảnh và trò chơi sinh động, từ đó tăng cường sự tham gia của học sinh. Trong các tiết học này, giáo viên không chỉ tự sưu tầm tài liệu mà còn chế tạo những bộ giáo cụ dành riêng cho PLRTN và giảm thiểu RTN để sử dụng trong tiết dạy. Những tiết học này không chỉ cung cấp thông tin cho các em mà còn giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn thông qua sự tương tác.
Hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường, tìm hiểu kiến thức về rác thải nhựa (WWF - Việt Nam)
Trong mỗi năm học, mỗi trường tổ chức ít nhất 01 cuộc thi liên quan đến nội dung bảo vệ môi trường, 01 hoạt động đổi rác lấy quà, 01 buổi sinh hoạt dưới cờ và 02 đợt kiểm toán rác. Những hoạt động này đã huy động được sự tham gia của gần như toàn bộ học sinh tại các trường. Tại một số trường, công tác tuyên truyền còn được đẩy mạnh qua những đợt phát thanh măng non (8-10 đợt/trường) với nội dung do chính các em học sinh tự biên soạn từ những thông tin đã được tiếp cận về PLRTN và giảm thiểu RTN. Để tạo sự kết nối giữa các trường tham gia mô hình “Trường học giảm thiểu rác thải nhựa” tại thành phố Huế, dự án đã tổ chức 01 trại hè và 02 sự kiện “Ngày hội tái chế” với sự tham gia của hàng trăm học sinh. Trong ngày hội, học sinh được nhìn lại những hoạt động đã thực hiện tại trường và tham quan trải nghiệm các gian hàng tái chế cùng những trò chơi tập thể liên quan đến PLRTN.
Những sự kiện này không chỉ là nơi để các trường được trao đổi kinh nghiệm và hiệu quả hoạt động tại mỗi trường mà còn là nơi để các em học sinh giao lưu, tăng cường kiến thức và trải nghiệm. Hình 24. Ngôi nhà xanh – nơi thu gom rác tái chế do Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” trao tặng các trường học 72 “Ngôi nhà xanh” đã được bàn giao cho 52 trường để cải thiện hiệu quả thu gom đối với các loại rác tái chế. Các mô hình này được thiết kế theo hướng thân thiện với học sinh với các ngăn phân loại riêng cho giấy và RTN tái chế, phù hợp với đặc điểm rác phát sinh tại các trường so với rác sinh hoạt tại hộ gia đình. Các trường cũng nhận được tài trợ để tham gia và tổ chức các sự kiện “Đổi rác lấy dụng cụ học tập”, “Ngày hội tái chế” để tạo động lực cho các em học sinh thực hành phân loại rác tại hộ gia đình và trong trường học. Nhờ các hoạt động này các ngôi nhà xanh của 52 trường đã thu được 99 kg nhựa tái chế và 123 kg rác tái chế khác.
Học sinh tặng các túi giấy cho các tiểu thương để thay thế túi nilon (Ảnh: WWF - Việt Nam)
Hiện tại, mô hình xử lý rác hữu cơ dễ phân hủy đang được triển khai tại 02 trường tiểu học và 08 trường THCS. Cán bộ phụ trách mô hình tại mỗi trường đã được đào tạo về kỹ thuật và được hỗ trợ về cơ sở vật chất để thử nghiệm mô hình. Cụ thể, mô hình tại trường Tiểu học Tây Lộc sử dụng cả rác bếp và rác vườn để tạo phân bón hữu cơ khô từ thùng ủ, sau đó bón cho cây xanh trong trường. Trong khi đó, trường Tiểu học Phú Thượng chỉ sử dụng rác vườn làm nguyên liệu ủ và áp dụng cả mô hình ủ phân khô lẫn ủ phân nước. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ các trường cải tạo một phần đất tại trường thành vườn rau trải nghiệm cho học sinh. Một số lớp học cùng với giáo viên phụ trách được phân công chăm sóc từng khu vực của vườn rau và sử dụng phân hữu cơ đã ủ để bón cho các loại rau ăn lá được trồng. Thông qua mô hình này, học sinh được tham gia các hoạt động gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu trực quan một số loài thực vật và hiểu hơn về tiềm năng tận dụng các loại rác hữu cơ dễ phân hủy. Đối với 8 trường THCS còn lại, cán bộ phụ trách tại các trường được dự án hỗ trợ vật dụng ủ và hướng dẫn kỹ thuật ủ qua nhóm tư vấn làm việc với trường.
Em Lê Nhật Anh, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Huế cho biết: Nhiều mô hình, sự kiện về vấn đề rác thải nhựa được tổ chức, lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa không những tạo ra một sân chơi bổ ích, thú vị sau những giờ học căng thẳng mà còn giúp chúng em hiểu được mối nguy hại mà rác thải nhựa tác động với cuộc sống của chúng ta. Thông qua các cuộc thi, cùng các trải nghiệm thực tế, chúng em đã rã rút ra được nhiều bài học về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, từ đó hình thành thói quen phân loại rác thải, đặc biệt là không sử dụng các sản phẩm nhựa một lần.
Hoàng Anh