
Kinh tế chất thải: Nguồn tài nguyên không thể lãng phí
30/09/2021TN&MTKinh tế chất thải (KTCT) là một khái niệm mới, có mối liên hệ mật thiết với nội dung của kinh tế học và kinh tế môi trường. KTCT bao gồm các khía cạnh phát sinh trong việc thu gom, vận chuyển, tái chế, thiêu đốt hoặc chôn lấp các chất thải, nghiên cứu về sự lựa chọn của con người trong việc giảm lượng phát thải và xử lý chất thải nhằm phục vụ lợi ích của con người và giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường sống của con người.
Đặt vấn đề
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang tác động mạnh đến môi trường sống của chúng ta. Hiện nay, một ngày tại Việt Nam trung bình mỗi người thải ra 1,2 kg rác ngoài môi trường, đặc biệt là hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh với 2,3 tấn và Thủ đô Hà Nội thải ra từ 4 - 5 tấn rác. Trong đó, hầu hết chất thải rắn chiếm số lượng nhiều nhất so với chất thải lỏng, khí,.... Tuy nhiên, Việt Nam đang có những cải cách, cải tiến để xử lý chất thải, và coi đó là một nguồn tài nguyên có thể kiếm ra lợi nhuận. Do đó, có rất nhiều các doanh nghiệp và công ty thu gom chất thải để sinh lời. Những biện pháp mà Việt Nam nói riêng hay thế giới nói chung đang tìm kiếm và sử dụng hiệu quả và triệt để; đồng thời, bài báo này cũng đưa ra những khuyến nghị giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về nền kinh tế chất thải và tiềm năng phát triển của nền kinh tế này.
Tổng quan kinh tế chất thải
Kinh tế chất thải (KTCT) là một khái niệm mới, có mối liên hệ mật thiết với nội dung của kinh tế học và kinh tế môi trường. KTCT bao gồm các khía cạnh phát sinh trong việc thu gom, vận chuyển, tái chế, thiêu đốt hoặc chôn lấp các chất thải, nghiên cứu về sự lựa chọn của con người trong việc giảm lượng phát thải và xử lý chất thải nhằm phục vụ lợi ích của con người và giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường sống của con người. Đồng thời, KTCT nghiên cứu hành vi ứng xử kinh tế của người tiêu dùng, nhà sản xuất, cộng đồng và Chính phủ đối với chất thải, giải quyết chất thải dưới góc độ kinh tế ở các khâu của quá trình xử lý chất thải.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc phân loại chất thải đã được thực hiện từ lâu, đặc biệt là chất thải (rác thải) đô thị và chất thải được phân loại đã phục vụ đắc lực cho việc tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng chất thải để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Tại Ấn Độ, thị trường thu gom và xử lý chất thải hiện có giá trị ước tính khoảng 570 triệu USD, thị trường tái chế có thể đạt từ 2,5 đến 3 tỷ USD. Tại Hoa Kỳ, ngành công nghiệp chất thải có giá trị tới 70 tỷ USD. Hay tại Trung Quốc, doanh thu từ ngành công nghiệp tái chế chất thải rắn của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 13,5%, ước đạt 16,2 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm tính tới năm 2018.
Tại Việt Nam, so với nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới, sản phẩm tái chế từ chất thải ở Việt Nam chưa nhiều nhưng thị trường của sản phẩm này cũng xuất hiện khá phổ biến. Để phát triển thị trường sản phẩm chất thải, việc xây dựng và ban hành những chính sách phù hợp khuyến khích thị trường này phát triển đúng hướng là động lực thúc đẩy tái chế, xử lý chất thải theo hướng coi chất thải không phải là thứ phải xử lý mà chất thải là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm chất thải. Có thể nhận định rằng, chất thải đang trở thành một đối tượng, một nguồn lợi và chúng đang được khai thác và đã mang lại lợi ích đáng kể cho con người.
Xử lý và tái chế chất thải
Cách xử lý và tái chế các loại chất thải
Chất thải rắn: Chất thải rắn có thể xử lý bằng nhiều phương pháp khác nhau: Thiêu đốt, xử lý bằng phương pháp sinh học (đối với rác thải sinh hoạt là chất hữu cơ không độc hại), chôn lấp, tái chế,… Tại Phú Quốc (Việt Nam), Công ty UpCycling Plastic (Hà Lan) và Công ty CP Toàn Hải Vân (thuộc TTC Land) đã ký biên bản hợp tác và triển khai việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải nhựa tuần hoàn và sẽ cho ra đời một liên doanh có mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi chất thải nhựa trên đảo thành hàng hóa sản phẩm được sử dụng để xây dựng các resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên đảo hoặc cơ sở hạ tầng. Đồng thời, người dân đã có thể tái chế các chai nhựa thành những vật dụng hữu ích trong sinh hoạt (ống đựng bút, chậu cây, kệ đựng nữ trang, và một số sản phẩm tái chế khác).
Chất thải lỏng: Hay tại Việt Nam, tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị thành viên đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất của các đơn vị, chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn cột B, một số nơi đạt quy chuẩn cột A của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT). Nước sau xử lý đã được một số đơn vị tái sử dụng cho sản xuất , sinh hoạt của người lao động.
Chất thải khí: Tùy thuộc vào những đặc tính khí thải sẽ có những quy trình công nghệ phù hợp: Tháp rửa khí (Scubber), tháp hấp thụ, tháp gia nhiệt, xử lý bụi bằng phương pháp khô. Một số sản phẩm từ chất thải khí đặc trưng như Phòng thí nghiệm Sandia (1 tỷ USD của chính quyền Mỹ) nhằm chế tạo nhiên liệu sinh học từ khí thải CO2. Không riêng gì Mỹ, Chính phủ Đức cũng chi 118 triệu Euro (EUR) cho “kế hoạch sản xuất trong mơ” của tập đoàn Bayer. Hay tại Úc, người ta đã và đang nghiên cứu sử dụng khí thải CO2 lấy từ các nhà máy nhiệt điện để sản xuất xi măng. Và ở nhiều nơi trên thế giới, khí thải CO2 được sử dụng trong việc trồng tảo qui mô công nghiệp để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Sau khi tái chế chất thải thì có những vấn đề gì ngoài xã hội?
Một thực tế, việc xem chất thải là tài nguyên, có thể khai thác nguồn lợi từ rác đã có từ lâu trong tiềm thức của nhân loại. Và chỉ mới gần đây việc xem chất thải là nguồn tài nguyên, nguồn nguyên nhiên liệu mới xuất hiện và ngày càng rõ dần mà trước hết ở các nước công nghiệp phát triển. Chúng ta có thể quan sát thấy, chất thải đang trở thành một đối tượng, một nguồn lợi và chúng đang được khai thác và đã mang lại lợi ích đáng kể cho con người. Bên cạnh đó, việc tái chế rác thải còn góp phần giảm thiểu lượng rác thải gây ONMT. Khuyến khích người dân phân loại rác thải, tái sử dụng các loại hình sản phẩm từ chất thải.
Na Uy cũng là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong phong trào tái chế chất thải nhựa. Có đến 97% chai nhựa phát sinh hàng năm của họ đã được tái chế, 92% trong số đó được chế biến thành nhựa có chất lượng cao và chúng có thể tiếp tục sản xuất thành các dụng cụ chứa nước uống. Vòng đời của một số chai nhựa ở đất nước này có thể lên tới 50 lần tái chế.
Singapore thu thập nước mưa thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa, đồng thời thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 mét dưới mặt đất. Và biến nước qua sử dụng thành nước sạch. Singapore được công nhận là nhà tiên phong toàn cầu trong công nghệ xử lý nước, họ thiết lập hẳn một đơn vị quản lý nước năm 1972. Hay việc sử dụng than hoạt tính để xử lý khí thải công nghiệp đã và đang được rất nhiều chủ nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới lựa chọn. Than hoạt tính là một dạng cacbon vô định hình, một số khác ở dạng graphit,... được hoạt hóa ở nhiệt độ rất cao, cấu trúc phân tử nhẹ và xốp nên có khả năng hấp thụ rất tốt với các tạp chất, bụi bẩn - thích hợp tái tạo ra các loại sản phẩm dẫn nhiệt, dẫn điện phục vụ cho các ngành luyện kim (gạch chịu lửa, bút chì, điện cực,...).
Khuyến nghị
Dựa trên cơ sở khoa học, chúng tôi có những khuyến nghị sau: Đầu tiên, cần thực hiện một số giải pháp tái chế rác thải đưa vào sử dụng trong đời sống sinh hoạt và đưa ra những giải pháp thúc đẩy người dân phân loại rác thải. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân nên sử dụng những hình loại sản phẩm đã qua tái chế để hạn chế suy giảm nguồn tài nguyên. Ngoài ra, các doanh nghiệp, xí nghiệp, các công ty tại Việt Nam và thế giới nên áp dụng các loại hình tái chế nhằm mang lại lợi ích đến môi trường và xã hội con người và nên sử dụng những nguồn năng lượng thay thế được tái chế từ chất thải thay vì sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ môi trường (khí đốt ,dầu mỏ, than,…). Từ đây cho thấy, chất thải có thể xoay vòng trong vòng đời sản phẩm - tái chế mang lại hiệu quả cao cho cuộc sống sinh hoạt của con người và xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Yên Thi (2019), Quản lý chất thải rắn, Thị trường tái chế chất thải: Nhìn ra thế giới https://baotainguyenmoitruong.vn/thi-truong-tai-che-chat-thai-nhin-ra-the-gioi-295741.html;
2. Môi trường và đô thị (2019). Các quốc gia trên thế giới tái chế rác thải nhựa như thế nào? tại https://www.moitruongvadothi.vn/moi-truong/cac-quoc-gia-tren-the-gioi-tai-che-rac-thai-nhua-nhu-the-nao-a48086.html;
3. Hội cấp thoát nước tại Việt Nam (2018). Singapore đã biến nước thải thành nước sạch như thế nào?, tại http://vwsa.org.vn/ vn/ article/1230/singapore-da-bien-nuoc-thai-thanh-nuoc-sach-nhu-the-nao.html;
4. Than hoạt tính toàn cầu (2018). Công nghệ xử lý khí thải bằng than hoạt tính. Tại https://activatedcarbon.vn/cong-nghe-xu-ly-khi-thai-bang-than-hoat-tinh.htm;
5. Tuổi trẻ online (2018). Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày. Tại https://tuoitre.vn/nguoi-viet-thai-gan-18-000-tan-rac-thai-nhua-moi-ngay-20180419223150176.htm;
VŨ NGUYỄN KHÁNH NGUYÊN (SV); DƯƠNG DUY KHÁNH (SV)
PHAN TRUNG SÁNG (SV); ThS. NGUYỄN HỒ VIỆT ANH
và Nhóm sinh viên trường Đại học Văn Lang