
Luật Đất đai đi vào thực tiễn sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất
21/07/2024TN&MTLuật Đất đai khi áp dụng có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Luật Đất đai có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan.
Vì vậy, khi Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ 1/8 sẽ có nhiều điểm cần quan tâm đối với cả người dân và doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật liên quan đến các nội dung này.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật
PV: Thưa Luật sư, Luật Đất đai năm 2024 chỉ còn ít ngày nữa sẽ được thực thi, vậy ông quan tâm những điểm mới nào, những đổi mới nào mang tính tích cực nhất của Luật đất đai?
Luật sư Diệp Năng Bình: Theo quan điểm cá nhân, trong các điểm mới khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì những đổi mới trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mang lại rất nhiều lợi ích, cụ thể:
Thứ nhất, khung giá đất sẽ bị bãi bỏ. Điều này khiến giá đất có thể tăng lên so với hiện nay. Do đó, khi bị thu hồi đất, người dân có thể được đền bù với mức giá cao hơn.
Thứ hai, người dân có thể được đền bù về đất với mục đích sử dụng khác với loại đất bị thu hồi. Đây là điều đáng chú ý và tạo thuận lợi cho người dân, nhất và với những người có nhu cầu về đất ở, nhà ở.
Thứ ba, là được bố trí tái định cư xong mới ra quyết định thu hồi đất. Theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, thay vì chỉ cần hoàn thành việc xây dựng nhà hoặc cơ sở hạ tầng khu tái định cư như hiện nay thì việc phê duyệt phương án cũng như thực hiện bố trí tái định cư sẽ phải được hoàn thành trước khi thực hiện thu hồi đất.
Thứ tư, là hộ gia đình có nhiều thế hệ bị thu hồi đất có thể được giao thêm đất. Theo đó, nếu hộ gia đình có nhiều thế hệ/nhiều cặp vợ chồng cùng sống trên một thửa đất ở bị thu hồi mà đủ điều kiện để tách thành từng hộ riêng hoặc có nhiều hộ gia đình chung quyền sử dụng 01 thửa đất bị thu hồi mà diện tích đất được bồi thường không đủ để giao riêng cho từng hộ gia đình thì: Sẽ được xem xét hỗ trợ giao đất ở có thu tiền sử dụng đất/bán, cho thuê hoặc cho thuê mua nhà ở đối với các hộ gia đình còn thiếu.
Ngoài ra, người có đất bị thu hồi sẽ được hỗ trợ thêm một số chi phí khác so với quy định hiện hành.
PV: Vậy để đưa quy định đó một cách thông suốt, hiệu quả vào thực tiễn thì đâu sẽ là những điều kiện cần và đủ, thưa ông?
Luật sư Diệp Năng Bình: Để thực hiện quy định mới này một cách thông suốt, hiệu quả trong thực tiễn thì cần phải quy định rõ ràng, chi tiết hơn về trình tự, thủ tục thu hồi đất cũng như phương án, vấn đề về chi phí trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật cũng như sự minh bạch, công bằng trong quá trình giải quyết cần được quan tâm. Chi khi người dân nắm rõ, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật và tích cực phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng, hạn chế phát sinh mẫu thuẫn, tranh chấp.
PV: Công tác thu hồi đất, đặc biệt là xác định giá đất đền bù cũng là một trong những trọng tâm lớn được quan tâm của Luật Đất đai mới. Theo ông, với những văn bản dưới Luật đã có, cụ thể là 2 Nghị định về giá đất mới ban hành đã đủ điều kiện để "khơi thông" những ách tắc đối với công tác này trong thực tiễn hay chưa?
Luật sư Diệp Năng Bình: Về vấn đề này thì ngoài quy định tại Luật Đất đai mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo đó, Nhà nước đã quy định rất chi tiết về vấn đề xác định giá đất, giá đất cụ thể để làm căn cứ tình chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân khi thu hồi đất. Đây là bước tiền lớn thể hiện Nhà nước rất chú trọng, quan tâm sâu sắc tới vần đề này không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Mặc dù vậy, công tác đền bù muốn được khơi thông không phải chỉ đơn thuần dựa theo quy định của pháp luật mà còn cần dựa trên quá trình làm việc giữa cơ quan có thẩm quyền với người dân như đã nêu ở trên.
PV: Có hiệu lực sớm từ 01/08, tức chưa đầy một tháng nữa các quy định mới sẽ có hiệu lực. Theo ông đâu sẽ là những điểm cần quan tâm nhất đối với người dân và doanh nghiệp để vừa chấp hành pháp luật vừa bảo đảm được những quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
Luật sư Diệp Năng Bình: Theo tôi, đối với người dân, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực thi hành thì người dân sẽ có được rất nhiều lợi ích, song người dân cũng cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, sẽ không còn tư cách hộ gia đình sự dụng đất. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới vấn đề đăng ký dất đai, cấp giấy chứng nhận và các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho,... về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Thứ hai, giá đất có thể tăng lên so với hiện nay nên người dân sẽ gặp khó khăn hơn đối với các giao dịch mua bán, chuyển nhượng liên quan đến đất đai.
Cồn về phía doanh nghiệp, mặc dù Luật Đất đai mới đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng là thách thức khi tham gia giao dịch bất động sản. Mục đích của Luật mới lần này là thúc đẩy, mong muốn sử dụng đất đai một cách tiết kiệm, có hiệu quả đặc biệt là đất nông nghiệp nên các doanh nghiệp cần phải sử dụng đất có mục đích hơn. Ngoài ra, vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng là bài toán khi các doanh nghiệp tham gia vào quá trình thu hồi đất của Nhà nước khi giá đất bồi thương có thể tăng lên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Sỹ Tùng (thực hiện)