
Phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường
16/01/2024TN&MTNăm 2023, ngành Tài nguyên và Môi trường đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo điều hành. Nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của tất cả các Sở Tài nguyên và Môi trường tại các tỉnh/thành cả nước.
Năm 2024, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong việc chỉ đạo thực thi pháp luật về Tài nguyên và Môi trường với quyết tâm cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường góp phần đắc lực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo BĐKH tỉnh Bến Tre: Phải thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2024 - 2025
Tôi đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố cần chủ động, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2024 - 2025.
Trong đó lưu ý, cần tập trung phối hợp, hoàn thành các công trình trọng điểm quản lý nước tỉnh Bến Tre; chú ý vận hành hiệu quả, khoa học hệ thống công trình thủy lợi giảm thiểu rũi ro ô nhiễm môi trường nước mặt; thực hiện các hoạt động để tăng cường năng lực cho các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh trong giảm phát thải khí nhà kính; đảm bảo thực hiện lồng ghép ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, nhiệm vụ, dự án phát triển của ngành, địa phương để tranh thủ, tận dụng, huy động nguồn lực cho ứng phó BĐKH.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố để tổ chức kịp thời, có hiệu quả, các hoạt động, nhiệm vụ; đồng thời, đảm bảo duy trì thường xuyên công tác truyền thông về BĐKH, chú ý đến nâng cao ý thức về lối sống, sinh hoạt, sản xuất xanh, bền vững, ít phát thải các-bon.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung triển khai cho giai đoạn 2024 - 2025, UBND tỉnh Bến Tre giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện thẩm định kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính; chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu UBND tỉnh Bến Tre thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tiềm năng tỉnh Bến Tre tham gia thị trường các-bon” để tận dụng cơ hội từ giảm phát thải khí nhà kính cho phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre.
Song song đó, Sở TN&MT Bến Tre triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và hoàn thành nhiệm vụ “Khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bến Tre”; đảm bảo công tác quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường trong đập, hồ chứa nước ngọt ứng phó hạn mặn, góp phần nâng cao năng lực trong quản lý bền vững tài nguyên nước trên địa bàn; hoàn thành tham mưu giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa vào vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo mặn tự động thuộc dự án AMD.
Yêu cầu các Sở, ngành liên quan và các địa phương, UBND tỉnh Bến Tre quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi, đáp ứng cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, chủ động trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nhân rộng các mô hình hiệu quả thích ứng, giảm phát thải, phát triển xanh trong cộng đồng; lồng ghép thích ứng, giảm phát thải khí nhà kính vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; truyền thông đến người dân dân địa phương nâng cao ý thức bảo vệ chất lượng môi trường nước, cũng như sinh hoạt sản xuất, hạn chế phát sinh khí thải...
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định: Nghiêm túc xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản trái phép
Năm 2024, ngành Tài nguyên và Môi trường Bình Định phải tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu đã được UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom 90-95%; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom 70 - 75%; xử lý lấn, chiếm đất đai 9.500 trường hợp; giải phóng mặt bằng có số lượng công trình, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng so với tổng số dự án trên địa bàn >50 % (theo địa bàn cấp huyện).
Tôi đánh giá cao kết quả ngành Tài nguyên và Môi trường đạt được trong năm 2023. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế như còn tình trạng khai thác đất, cát trái phép; thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn chưa triệt để.
Vì vậy trong năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Khẩn trương xây dựng phần mềm kiểm tra, rà soát các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh trước 31/3/2024.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến tới chấm dứt tình trạng hồ sơ đất đai trễ hẹn tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản trái phép và không để xảy ra các điểm nóng về môi trường.
Ông Lê Ngọc Huấn- Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh: Tập trung tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản
Năm 2023, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã tiếp nhận 21.529 văn bản, ban hành 6.994 văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Các văn bản của các cấp, các ngành đều được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời.
Đặc biệt, sở kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua 7 nghị quyết; trình UBND tỉnh ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật và 1 quyết định cá biệt nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Sở tham mưu UBND tỉnh xem xét phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023 đối với 24 khu vực mỏ khoáng sản; xác nhận khối lượng khai thác tại 11 khu vực mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường và 4 hồ sơ đăng ký khai thác đất, đá trên tuyến thi công bảo đảm đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam.
Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tổng thu ngân sách lĩnh vực TN&MT đạt gần 2.300 tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng thu ngân sách địa phương.
Dù vậy trong năm 2023, ngành TN&MT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác phối hợp với các sở, ngành trong thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa tốt; công tác quản lý quỹ đất và GPMB sạch đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập; việc xây dựng, thẩm định giá đất cụ thể đối với các dự án còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng; tình trạng khai thác đất, cát trái phép vẫn còn xảy ra nhưng chậm phát hiện, xử lý dứt điểm...
Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong năm 2024, Sở TN&MT tập trung tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản theo nguyên tắc bảo vệ và tiết kiệm nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép...
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, trong đó tập trung xử lý các vụ việc về đất đai, việc khai thác khoáng sản trái phép, công tác bảo vệ môi trường các dự án đầu tư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở chăn nuôi tập trung.
Ông Nguyễn Ngọc Thiều, Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn: Hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu có trên 98% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng và trước hạn
Năm 2024, ngành TN&MT Lạng Sơn sẽ tập trung triển khai có hiệu quả chủ đề “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”. Mục tiêu của ngành là tập trung tham mưu cho tỉnh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý TN&MT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, BVMT; đẩy mạnh cải cách hành chính; chuyển đổi số; kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở;
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ; phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban ngành và UBND các huyện, thành phố kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TN&MT;
Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm đã đăng ký, cụ thể là: Phấn đấu có trên 98% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng và trước hạn đối với lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; Đẩy mạnh thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực lên Kho dữ liệu số hoá TTHC của tỉnh; phấn đấu hoàn thành số hóa trên 90% hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở từ năm 2018 đến năm 2024; Tham mưu giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho các Dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút đầu tư.
Ông Vũ Ngọc Vương, Giám đốc Sở TN&MT Điện Biên: Thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm và 100% TTHC được công khai đầy đủ, kịp thời theo quy định
Năm 2024, Điện Biên sẽ thực hiện 05 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện việc lập và trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025 tỉnh Điện Biên. 100% TTHC được công khai đầy đủ, kịp thời theo quy định. Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2 - 3%.
Tiếp tục thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính về đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh. Cải thiện các chỉ số thành phần môi trường, phấn đấu 96% chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị được thu gom, duy trì 94% CTRSH đô thị được xử lý, 23% CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý; phấn đấu 62.6% xã đạt tiêu chí 17 môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành nhiệm vụ kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2025.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, những vấn đề tồn tại quản lý sử dụng đất đai và các phương án nâng cao hiệu quả việc sử dụng đất, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên và khoáng sản.
Ông Phạm Chí Thống, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư
Ông Phạm Chí Thống trao Bằng khen đến các cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2023
Năm 2024, Sở Tài nguyên và môi trường phấn đấu thực hiện tốt công tác Đảng và nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó, quản lý đất đai, đo đạc bản đồ, quản lý khoáng sản; Bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và quan trắc; công tác thanh tra và các nhiệm vụ khác. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Ngành đã đề ra những giải pháp chủ yếu: Tích cực bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các nhiệm vụ theo kế hoạch năm và nhiệm vụ phát sinh; tăng cường kiểm tra nội bộ trên cơ sở quy chế cơ quan và nhiệm vụ được giao; Phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo của từng cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo yêu cầu thực tiễn của địa phương theo hướng giảm dần thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai, môi trường để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường… với các nhiệm vụ cụ thể:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước của các doanh nghiệp và của các địa phương .
Tham mưu UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, các Nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành theo quy định; tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, việc chuyển đổi số trong công tác quản lý và điều hành, xây dựng các cơ sở dữ liệu đất đai, môi trường, khoáng sản, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo yêu cầu thực tiễn của địa phương theo hướng giảm dần thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai, môi trường để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như ở địa phương, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phát triển tốt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.
Diệp Anh