
Tiểu ban Nội dung họp rà soát kịch bản cho Hội nghị kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
11/05/2022TN&MTHội nghị kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12-13/5/2022. Đã có hơn 70 quốc gia tham dự và trao đổi về các nội dung như đóng góp của một số ngành chính giúp duy trì tăng trưởng kinh tế biển xanh, xây dựng đô thị ven biển thông minh và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm và rác thải nhựa đại dương, an ninh lương thực và khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương;...
Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị, sáng ngày 11/5 Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức họp Tiêu ban Nội dung để nhắc lại việc và phân công lại đầu mối phụ trách của các thành viên Tiểu ban Nội dung- Tuyên truyền phục vụ Hội nghị. Theo Quyết định số 954/QĐ-BTNMT, Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN&MT - Trưởng ban; Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT làm Phó ban.
Ông Trương Đức Trí, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã yêu cầu các thành viên Tiểu ban thuộc các Bộ, ngành, các chuyên gia báo cáo, rà soát lại nội dung báo cáo, để kịp thời điều chỉnh lại các ngôn từ cho rõ nghĩa, nội dung.Về phía Tổng cục đã chuẩn bị hoàn tất, mong muốn phía Tổ chức IUCN đồng hành và rà soát lại những nội dung chi tiết, kịch bản, tuyên bố chung và các bài tham luận của các diễn giả quốc tế.
Toàn cảnh buổi họp
Đại diện các Bộ, ngành đã báo cáo cụ thể về công tác chuẩn bị sẵn sàng trong việc chuẩn bị tham luận và báo cáo tại Hội nghị. Ở phương diện truyền thông báo chí, Tổ chức IUCN đã có chuẩn bị sẵn sàng phòng riêng cho báo chí tác nghiệp và các tài liệu liên quan để phục vụ tốt công tác truyền thông hiệu quả. Với báo chí quốc tế, IUCN đã mời tham dự online.
Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu với chủ đề chung “Các giải pháp cho một nền kinh tế biển có khả năng chống chịu” dự kiến sẽ tổ chức trong 2 ngày (12-13/5/2022), gồm: 4 phiên toàn thể (Phiên toàn thể 1 - Phiên Khai mạc; Phiên toàn thể 2 - Rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu; Phiên toàn thể đặc biệt - Giải quyết vấn đề ô nhiễm đại dương và Rác thải nhựa đại dương: Một Thách thức lớn của thế kỷ 21; Phiên toàn thể 4 - Phiên Bế mạc) và 4 Phiên chuyên đề (mỗi phiên có 3-4 phiên song song): Phục hồi và Xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch Covid -19 vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu; Quy hoạch không gian biển và Xây dựng các đô thị và hạ tầng ven biển có khả năng chống chịu với khí hậu; An ninh khí hậu, Giới và Khả năng chống chịu của các Cộng đồng dễ bị tổn thương và Nguồn tài chính cho Khí hậu và Đại dương.
Bên cạnh các phiên toàn thể và phiên chuyên đề là các cuộc họp và sự kiện bên lề bao gồm: Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế biển xanh - Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển; Mô hình nhà chống bão, lũ - Bài học kinh nghiệm từ miền Trung Việt Nam; Triển lãm Đóng góp của doanh nghiệp và các sáng kiến khác cho kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Hội nghị đã đưa ra một Tuyên bố của các đồng Chủ tịch Hội nghị, trong đó, trình bày các nội dung và kết luận chính của Hội nghị, cung cấp thông tin đầu vào cho các sự kiện và tiến trình quốc tế liên quan trong tương lai, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Hội đồng Môi trường Liên Hợp quốc vào năm 2022 được diễn ra thảo luận về Thoả thuận toàn cầu ô nhiễm nhựa và các nội dung khác.
Đây là Hội nghị quốc tế quan trọng và có quy mô lớn trong lĩnh vực phát triển bền vững kinh tế đại dương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tổ chức Hội nghị sẽ góp phần thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Chỉ đạo cuộc họp trước đó và để đảm bảo tổ chức Hội nghị thành công tốt đẹp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì về mặt nội dung, phối hợp với UNDP và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung trước, trong và sau sự kiện, đặc biệt là Tuyên bố chung và Sáng kiến của Việt Nam; giao các cơ quan có liên quan phối hợp chuẩn bị các hoạt động lễ tân, hậu cần, đảm bảo an ninh, an toàn của Hội nghị; chủ động quảng bá, tuyên truyền các nội dung, kết quả của Hội nghị nhanh và tính lan tỏa trên phạm vi thế giới.
Hội nghị sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 12-13/5 tại Hà Nội.
Diệp Anh