
Việt Nam tham vấn chiến lược cho Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
10/07/2025TN&MTNgày 10/7, tại Hà Nội, phiên làm việc thứ ba của Hội thảo Nhóm Công tác triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) Việt Nam lần thứ 6, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, đã tập trung thảo luận về định hướng và đề xuất của Việt Nam đối với Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho phiên họp thứ hai của Kỳ họp thứ năm của Ủy ban đàm phán liên Chính phủ (INC-5.2), dự kiến tổ chức vào tháng 8/2025 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng NPAP (UNDP) tổ chức sự kiện ra mắt Nhóm kỹ thuật Chính sách và Hội thảo tham vấn đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về Ô nhiễm nhựa trong 2 ngày (9-10/7)
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia độc lập, hiệp hội ngành hàng và tổ chức phi chính phủ. Trong phiên làm việc này, các đại biểu đã tham vấn sâu về tiến trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu, những thách thức đang tồn tại, cũng như định hình quan điểm và ưu tiên chiến lược của Việt Nam tại vòng đàm phán sắp tới.
Cập nhật tiến trình và chuẩn bị chiến lược cho INC-5.2
Mở đầu phiên tham vấn, bà Clémence Schmid – Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động về Nhựa Toàn cầu (GPAP) thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) – trình bày cập nhật về tiến độ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu. Bà đánh giá cao những kết quả đã đạt được tại phiên họp INC-5.1, đồng thời lưu ý các điểm còn thiếu đồng thuận giữa các quốc gia, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh của hiệp ước, mức độ ràng buộc pháp lý và cơ chế tài chính dành cho các nước đang phát triển.
Bà Clemence Schmid (WEF–GPAP) đánh giá cao Việt Nam là quốc gia tiên phong triển khai NPAP, nhấn mạnh việc thành lập Nhóm Kỹ thuật Chính sách là bước tiến quan trọng hướng tới nền kinh tế nhựa tuần hoàn
Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp & Môi trường), bà Vũ Thùy Dung báo cáo kết quả tham gia của Việt Nam tại INC-5.1 cũng như tại các cuộc họp bên lề của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương (APG) và các Trưởng đoàn đàm phán (HoDs). Theo bà Vũ Thùy Dung, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào tiến trình thảo luận, đề xuất các nội dung bám sát nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt (CBDR), thúc đẩy chuyển đổi công bằng và kiến nghị các cơ chế hỗ trợ kỹ thuật – tài chính phù hợp với năng lực của các nước đang phát triển.
Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp & Môi trường), bà Vũ Thùy Dung cho biết Việt Nam đã tích cực đóng góp tại INC-5.1, nhấn mạnh nguyên tắc trách nhiệm chung có phân biệt và đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp cho các nước đang phát triển
Dự thảo văn bản của Chủ tịch Ủy ban đàm phán sẽ tiếp tục được thảo luận tại phiên họp INC-5.2, dự kiến tổ chức vào tháng 8/2025 tại Geneva, Thụy Sĩ. Giai đoạn này được xác định là then chốt trong việc thống nhất các điều khoản có tính ràng buộc liên quan đến sản xuất, tiêu dùng, hóa chất và chất thải nhựa, làm nền tảng để tiến tới một hiệp ước toàn cầu có hiệu lực pháp lý, toàn diện và khả thi.
Định hình quan điểm quốc gia từ đối thoại đa bên
Phiên tham vấn tiếp tục với chuỗi bài trình bày chuyên sâu từ các chuyên gia, đại diện hiệp hội ngành và tổ chức phi chính phủ, góp phần làm rõ những ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong tiến trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Những phân tích, khuyến nghị từ nhiều góc độ đã hỗ trợ định vị lập trường đàm phán của Việt Nam tại INC-5.2, đồng thời cung cấp thông tin thực tiễn để rà soát lại các nội dung cần kiến nghị, phản biện hoặc đề xuất sửa đổi trong dự thảo văn kiện của Chủ tịch Ủy ban đàm phán.
PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất thiết lập quỹ đa phương độc lập kết hợp với các nguồn tài chính hiện có như GEF, đồng thời huy động thêm nguồn lực từ nhiều kênh để hỗ trợ các nước đang phát triển đầu tư vào công nghệ xử lý và tái chế nhựa
Với vai trò là chuyên gia cố vấn, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên & Môi trường, cho rằng, trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển phải đối mặt với thách thức về công nghệ, tài chính và thể chế, Việt Nam cần tham gia tích cực vào quá trình định hình nội dung hiệp ước theo hướng đảm bảo tính khả thi và công bằng. Một trong những nội dung được ông đặc biệt nhấn mạnh là việc thiết lập các cam kết ràng buộc về kiểm soát hóa chất độc hại, quản lý nhựa sử dụng một lần và áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế bao bì thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất cơ chế tài chính trong khuôn khổ Thỏa thuận toàn cầu cần bao gồm một quỹ đa phương độc lập do Công ước thiết lập, đồng thời tận dụng các nguồn tài trợ sẵn có như Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và các quỹ khác. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động thêm nguồn lực từ nhiều kênh, bao gồm cả tài chính sáng tạo, để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đầu tư vào công nghệ xử lý, tái chế và thay thế nguyên liệu.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam – trình bày tham luận về tác động của Thỏa thuận toàn cầu đối với ngành nhựa trong nước. Theo bà Mỹ, ngành nhựa Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn hoạt động ở khu vực sản xuất bao bì, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật. Việc Thỏa thuận toàn cầu áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về thiết kế sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và hạn chế sử dụng nhựa nguyên sinh sẽ tạo áp lực lớn về chi phí đầu tư, cải tiến công nghệ và chuyển đổi sản xuất.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết Thỏa thuận toàn cầu sẽ đặt ra nhiều thách thức cho hơn 4.000 doanh nghiệp ngành nhựa, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do yêu cầu cao về thiết kế, truy xuất nguồn gốc và giảm nhựa nguyên sinh
Tuy vậy, đại diện Hiệp hội Nhựa cũng cho rằng Thỏa thuận toàn cầu là cơ hội để ngành tái cơ cấu theo hướng phát triển xanh và bền vững hơn. Việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, tiêu chuẩn ESG và thị trường xuất khẩu đòi hỏi tiêu chí môi trường cao sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh nếu được hỗ trợ đúng mức. Bà Huỳnh Thị Mỹ kiến nghị Chính phủ cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phổ biến thông tin, hướng dẫn thực thi và xây dựng lộ trình phù hợp nhằm tránh gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Từ góc nhìn tổ chức phi chính phủ, bà Quách Thị Xuân – đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment) tại Việt Nam – trình bày góc nhìn của tổ chức phi chính phủ nước ngoài về dự thảo văn kiện của Chủ tịch Ủy ban đàm phán. Theo bà Xuân, văn bản hiện hành vẫn thiếu các định nghĩa rõ ràng, chưa đầy đủ về danh mục các sản phẩm nhựa có hại và còn nặng về tính tự nguyện. Bà đề xuất Việt Nam cùng các nước trong khu vực kiến nghị đưa vào văn kiện nội dung về hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, loại bỏ nhựa không thể tái chế, đồng thời thúc đẩy công bằng xã hội trong thực thi hiệp ước – đặc biệt với cộng đồng thu gom rác phi chính thức và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Những đóng góp từ ba bài tham luận nêu trên không chỉ cung cấp căn cứ quan trọng để hoàn thiện quan điểm đàm phán của Việt Nam, mà còn thể hiện sự đa dạng và tính xây dựng cao trong quá trình tham vấn chính sách công đa bên. Đây là minh chứng rõ ràng cho cách tiếp cận bao trùm, nơi tiếng nói của các bên liên quan được lắng nghe và phản ánh trong tiến trình xây dựng chính sách toàn cầu.
Vai trò chủ động và định hình vị thế đàm phán của Việt Nam
Theo ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường – quá trình chuẩn bị cho phiên đàm phán INC-5.2 là thời điểm then chốt để Việt Nam định hình các đề xuất phù hợp với thực tiễn trong nước, đồng thời phát huy vai trò tích cực trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực thi của Thỏa thuận toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam, ông nhấn mạnh yêu cầu phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, hiệp hội, viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời lồng ghép các nội dung đang đàm phán vào các khuôn khổ chính sách hiện hành như chiến lược quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Phiên họp tham vấn cũng ghi nhận nhiều đóng góp và khuyến nghị quan trọng từ các góc nhìn đa chiều nhằm hỗ trợ xác định vị thế đàm phán và các ưu tiên chiến lược của Việt Nam tại phiên họp INC-5.2 sắp tới
Với vai trò cơ quan điều phối đoàn đàm phán Việt Nam tại INC-5.2, Bộ Nông nghiệp và Môi trường không chỉ dẫn dắt việc rà soát nội dung dự thảo văn kiện của Chủ tịch Ủy ban đàm phán, mà còn chủ động kết nối với nhóm các nước trong khu vực để tăng cường tham vấn kỹ thuật, chia sẻ quan điểm và thúc đẩy đồng thuận khu vực. Các nội dung ưu tiên chiến lược, bao gồm kiểm soát nhựa nguyên sinh, thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường và cơ chế tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển, sẽ được Việt Nam tiếp tục làm rõ trong quá trình đóng góp văn bản tại Geneva.
Trong khuôn khổ chuẩn bị cho INC-5.2, Bộ cũng phối hợp với Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) tổ chức Hội thảo Nhóm Công tác lần thứ sáu, huy động sự tham gia của hơn 90 đại biểu trong nước và quốc tế trong 2 ngày (9-10/7). Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự đã tham vấn trực tiếp cho đoàn đàm phán Việt Nam, góp phần hoàn thiện các đề xuất nội dung và lộ trình thực thi. Đặc biệt, sự kiện ra mắt Nhóm Kỹ thuật Chính sách – do Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì thông qua Cục Môi trường – đã củng cố thêm một cơ chế phối hợp liên ngành nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách tuần hoàn và tích hợp các nguyên tắc của Thỏa thuận vào thực tiễn quốc gia.
Thông qua hai ngày làm việc, kết quả Hội thảo đã góp phần tạo lập nền tảng tri thức và hành động nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được Việt Nam cam kết: giảm 75% rác thải nhựa trên biển vào năm 2030, loại bỏ nhựa dùng một lần tại các tỉnh ven biển và triển khai EPR trên toàn quốc. Đây không chỉ là sự chuẩn bị cho một vòng đàm phán, mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong vai trò chủ động định hình chính sách môi trường toàn cầu từ góc nhìn phát triển bền vững.
Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) tại Việt Nam, chủ trì bởi UNDP Việt Nam, là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được thiết lập dựa trên hợp tác chính thức giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho phép thực hiện hợp tác giữa Chính phủ và các đối tác quan trọng khác để hiện thực hóa những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành, cùng 33 đại diện cấp cao thuộc các cơ quan chính phủ, đối tác phát triển, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tích cực chống ô nhiễm nhựa. Các lĩnh vực tác động của NPAP bao gồm chuyển đổi hành vi, thúc đẩy đổi mới, khơi nguồn tài chính, cung cấp thông tin xây dựng chính sách, hài hòa hóa các số liệu, thúc đẩy bình đẳng giới và bao trùm xã hội trong chuỗi giá trị nhựa.
Ngọc Huyền