
Giảm phát thải POP và thủy ngân: Việt Nam triển khai dự án quản lý vòng đời sản phẩm và tiêu dùng xanh
11/07/2025TN&MTNgày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Giảm phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái”, do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ. Dự án đánh dấu bước tiến quan trọng trong cam kết của Việt Nam với các công ước quốc tế, đồng thời mở ra hướng tiếp cận toàn diện về quản lý hóa chất độc hại trong sản xuất và tiêu dùng.
Hội thảo có sự tham dự của gần 70 đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, hóa chất và y tế. Các đại biểu đã thảo luận, góp ý cho kế hoạch triển khai dự án, tập trung vào hiện trạng sử dụng POP và thủy ngân trong các ngành công nghiệp điển hình, các giải pháp công nghệ – tài chính chuyển đổi, cũng như lộ trình triển khai hệ thống nhãn sinh thái và thúc đẩy tiêu dùng xanh tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh vai trò của dự án trong thực thi các cam kết quốc tế và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam
Từ cam kết quốc tế đến hành động chính sách thực tiễn
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và Công ước Minamata về thủy ngân. Ông nhấn mạnh: “Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã lần đầu tiên nội luật hóa toàn diện các quy định của hai công ước này, tạo nền tảng pháp lý cho việc quản lý POP và thủy ngân theo phương pháp tiếp cận vòng đời, đồng thời thúc đẩy áp dụng nhãn sinh thái, mua sắm xanh và cơ chế tài chính xanh”.
Theo Thứ trưởng, dự án không chỉ góp phần tăng cường công tác quản lý môi trường, mà còn đóng vai trò thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững. “Chúng tôi mong muốn thông qua dự án sẽ hình thành cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, đồng thời tăng cường năng lực quản lý an toàn các chất POP và thủy ngân trên toàn chuỗi giá trị”, ông nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý vòng đời sản phẩm, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới mục tiêu tiêu dùng xanh và sản xuất sạch hơn.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng dự án là bước tiến chiến lược giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu mới từ Công ước Stockholm và Minamata, đồng thời phù hợp với khung pháp lý hiện hành như Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022 và 05/2025. “Đây không chỉ là một dự án môi trường, mà là phép thử cho cách Việt Nam tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào thực tiễn chính sách và thị trường,” ông nhấn mạnh.
Kích hoạt tài chính xanh cho quản lý hóa chất độc hại
Theo bà Đặng Thùy Linh (Cục Môi trường), dự án được phê duyệt theo Quyết định số 4056/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2023, với tổng ngân sách hơn 5,3 triệu USD. Trong đó, 4,6 triệu USD là viện trợ không hoàn lại từ GEF, 600.000 USD là hỗ trợ hiện vật từ UNDP và 112.641 USD là vốn đối ứng bằng tiền mặt từ Việt Nam. Dự án sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn 2023–2027, với cơ quan chủ trì là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Bà Đặng Thùy Linh, Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết dự án được phê duyệt theo Quyết định số 4056/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2023 với tổng kinh phí hơn 5,3 triệu USD, triển khai trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2023–2027
Tuy nhiên, quá trình phê duyệt trong nước đã khiến dự án chậm gần 3 năm so với kế hoạch ban đầu – GEF đã phê duyệt từ tháng 5/2021. Do đó, nhiều nội dung thực địa mới bắt đầu từ giữa năm 2024, và UNDP kiến nghị cần gia hạn linh hoạt để đảm bảo hiệu quả thực thi.
Ngoài phần vốn tài trợ trực tiếp, dự án còn đặt mục tiêu huy động thêm khoảng 28 triệu USD đồng tài trợ từ khu vực tư nhân, tổ chức tài chính và các nguồn hợp tác phát triển khác. Số vốn này không nằm trong ngân sách nhà nước nhưng được coi là điều kiện thiết yếu để bảo đảm các mục tiêu chuyển đổi công nghệ và thực thi chính sách hiệu quả.
Cơ cấu tổ chức dự án gồm 4 hợp phần chính: (1) thúc đẩy tiêu dùng bền vững thông qua nhãn sinh thái và mua sắm xanh; (2) quản lý vòng đời sản phẩm chứa POP; (3) quản lý vòng đời sản phẩm chứa thủy ngân; và (4) giám sát – đánh giá tác động. Mô hình tích hợp đồng thời POP và thủy ngân trong một dự án quản lý vòng đời sản phẩm là cách tiếp cận mới, phù hợp với xu thế quốc tế.
POP và thủy ngân trong sản phẩm tiêu dùng: Mối nguy đang bị xem nhẹ
Thông tin tại hội thảo cho thấy Việt Nam không sản xuất POP công nghiệp, nhưng vẫn nhập khẩu nhiều hợp chất như SCCP, MCCP, UV-328, PFOS... làm phụ gia trong sản phẩm nhựa, sơn, vật liệu phủ bề mặt, chống cháy. Những chất này hiện diện rộng rãi trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày – từ dây điện, bao bì, sơn ô tô cho tới lớp phủ màn hình đồng hồ xe hơi.
Theo thống kê của Cục Môi trường, năm 2022, Việt Nam nhập hơn 737.000 tấn nhựa PVC, trong đó có hàm lượng phụ gia POP chưa được kiểm soát đầy đủ. UV-328 – một loại POP mới – cũng đang phổ biến trong ngành in ấn và bao bì thực phẩm, nhưng chưa được thay thế tương đương.
Ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia UNDP nhận định sau ba năm chậm trễ, dự án cần cập nhật bối cảnh chính sách và yêu cầu mới từ Công ước Stockholm và Minamata, đồng thời thúc đẩy phối hợp liên ngành để triển khai hiệu quả
Về thủy ngân, ngoài thiết bị y tế truyền thống như nhiệt kế và huyết áp kế, bóng đèn huỳnh quang dân dụng vẫn là nguồn phát thải chính. Trong khi đó, hệ thống thu gom – xử lý thiết bị sau sử dụng chưa đồng bộ, dẫn tới nguy cơ ô nhiễm.
Tại hội thảo, chuyên gia UNDP Hoàng Thành Vĩnh lưu ý: “Cấm là cần thiết, nhưng không đủ. Doanh nghiệp cần hỗ trợ công nghệ và tài chính để thay thế các vật liệu có chứa POP và thủy ngân. Nếu không có giải pháp khả thi, lộ trình loại bỏ sẽ không thể đi vào thực chất”.
Thúc đẩy đồng hành công – tư, nâng cao năng lực ngành
Một điểm sáng của hội thảo là sự cam kết mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính và hiệp hội ngành hàng. Ông Nguyễn Tuấn Việt, đại diện Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, cho biết Quỹ đã hỗ trợ hơn 400 dự án môi trường với tổng vốn vay ưu đãi hơn 4.300 tỷ đồng và sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghệ và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa.
Đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam, bà Huỳnh Thị Mỹ, bày tỏ quan ngại khi nhiều hóa chất trong danh mục POP vẫn đang được sử dụng phổ biến trong ngành nhựa – đặc biệt là sản phẩm PVC, trong khi phần lớn doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về rủi ro hóa chất và áp lực xuất khẩu. “Nếu không chuyển đổi, ngành nhựa có thể đối mặt rào cản kỹ thuật nghiêm trọng khi xuất khẩu sang châu Âu hoặc các thị trường khắt khe”, bà cảnh báo.
Về phía Bộ Y tế, bà Lê Thái Hà – Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh – đề xuất điều chỉnh mục tiêu “thay thế 10.000 thiết bị y tế chứa thủy ngân” thành “thay thế các sản phẩm y tế có chứa thủy ngân” cho phù hợp với thực tiễn. Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế phối hợp tài chính và đấu thầu trong lộ trình chuyển đổi.
Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức đánh giá dự án là bước khởi đầu quan trọng để loại bỏ dần hóa chất độc hại khỏi các sản phẩm tiêu dùng phổ biến, từ nhựa, giấy đến mỹ phẩm
Kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết sẽ giao Ban Quản lý Dự án phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và doanh nghiệp. “Chúng ta đang sử dụng các hóa chất nguy hại trong sản phẩm hàng ngày – từ nhựa, giấy, ô tô đến mỹ phẩm – nhưng phần lớn người tiêu dùng không biết. Dự án này là bước đầu cho sự chuyển đổi đó”, ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.
Hội thảo khởi động không chỉ là bước đi kỹ thuật nhằm triển khai một dự án cụ thể, mà còn đặt nền móng cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách quốc gia trong quản lý hóa chất độc hại. Trong khuôn khổ dự án, Việt Nam sẽ xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn về hàm lượng POP trong sản phẩm, thiết lập hệ thống phân tích và giám sát POP và thủy ngân, đồng thời thúc đẩy áp dụng nhãn sinh thái, mua sắm xanh và cơ chế tài chính xanh ở quy mô lớn hơn.
Dự án cũng tạo cơ hội để thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp Việt Nam tiến tới loại bỏ dần các hóa chất độc hại trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm – từ sản xuất đến tiêu dùng và xử lý cuối vòng đời. Trong bối cảnh các cam kết quốc tế ngày càng chặt chẽ, đặc biệt là với các Công ước quốc tế về hóa chất và xu thế kiểm soát PFAS, dự án là bước đi thiết thực nhằm bảo đảm năng lực thích ứng về chính sách, công nghệ và thể chế cho Việt Nam trong trung và dài hạn.
Ngọc Huyền