
Bình Định: Đẩy mạnh quản lý, giám sát tài nguyên nước
03/07/2023TN&MTTheo đánh giá của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Trung, Bình Định có nguồn tài nguyên nước khá lớn so với nhu cầu sử dụng của tỉnh hiện nay. Để quản lý hiệu quả, Phóng viên Tạp chí TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Định xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông đánh giá chung về tài nguyên của tỉnh Bình Định hiện nay?
Ông Huỳnh Quang Vinh: Theo kết quản tính toán tại Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 - Nội dung phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2584/QĐ-UBND ngày 01/8/2018 thì toàn tỉnh Bình Định có trữ lượng nước mặt tiềm năng khoảng 9,34 tỷ m3/năm.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Định trả lời phỏng vấn Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
Như vậy, tiềm năng nước mặt của tỉnh Bình Định là khá lớn so với nhu cầu nhu cầu sử dụng của các ngành trong kỳ quy hoạch từ năm 2020 - 2025 - 2035 với tổng nhu cầu sử dụng nước toàn tỉnh là: 1,26 - 1,35 - 1,48 tỷ m3/năm.
Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình các sông trên địa bàn tỉnh ngắn, dốc từ Tây sang Đông, rừng đầu nguồn các năm trước bị khai thác nhiều, lượng mưa hàng năm tập trung 70% vào 4 tháng mùa mưa (tháng 9-12) nên lượng nước mặt giữ lại để phục vụ sản xuất, sinh hoạt không nhiều, khoảng 800 - 900 triệu m3/năm tại các hồ chứa.
Đối với trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác sử dụng, theo kết quả điều tra đánh giá Đề tài “Điều tra thành lập loạt bản đồ địa chất môi trường” do Liên đoàn Địa chất thủy văn - Địa chất công trình miền Trung thực hiện năm 2004 (nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung). Trữ lượng tiềm năng nước dưới đất tỉnh Bình Định được đánh giá theo trữ lượng động tự nhiên và trữ lượng tĩnh của các tầng chứa nước ngọt, với tổng trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 1.333.000 m3/ngày, trong đó trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác khoảng 533.311 m3/ngày.
PV: Công tác quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước được tỉnh chú trọng ra sao, thưa ông?
Ông Huỳnh Quang Vinh: Nhằm tránh thất thoát tài nguyên và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật tài nguyên nước và Thông tư Số: 17/2021/TT-BTNMT ngày 14/10/2021 của Bộ TNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (thay thế Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước). Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động để phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước biết và triển khai thực.
Cụ thể, rà soát, phát hành văn bản đôn đốc nhắc nhở các đơn vị thực hiện việc lập hồ sơ khai thác, sử dụng nước theo quy định. Từ năm 2016 đến nay Sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp 136 giấy phép thăm dò nước dưới đất, khai thác nước dưới đất, khai thác nước mặt, hành nghề khoan nước dưới đất. Hàng năm, có văn bản yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho Sở trước ngày 31/12.
Hồ Định Bình góp phần điều tiết hiệu quả tài nguyên nước tại Bình Định
Đồng thời từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 6 đợt kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước, xả nước thải đối với 87 tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra đã phát hiện xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước 04 đơn vị với số tiền phạt 487 triệu đồng và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đến nay, vẫn còn nhiều đơn vị chưa lắp đặt các thiết bị quan trắc, giám sát tự động trực tuyến trong quá trình khai thác, sử dụng nước theo quy định (chủ yếu là các đơn vị khai thác nước với quy mô nhỏ), nguyên nhân chủ yếu là kinh phí đầu tư thiết bị ở mức cao (trung bình khoảng 100 triệu/giếng). Việc thực hiện quan trắc tài nguyên nước cơ bản đã thực hiện ở các đơn vị khai thác nước với quy mô lớn, khai thác nước tập trung.
Tuy nhiên, hiện nay tại Bình Định nhiều đơn vị đã lắp thiết bị giám sát tự động, trực tuyến như khai thác, sử dụng nước dưới đất có Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Định; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Nhà máy sữa Bình Định. Khai thác, sử dụng nước mặt có Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định; Công ty Cổ phần thủy điện Văn Phong; Công ty Cổ phần thủy điện Định Bình; Công ty CP thủy điện An Quang;...
PV: Theo ông đâu là những bất cập trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiện nay?
Ông Huỳnh Quang Vinh: Xuất phát từ ý niệm “Nước là của trời cho”, đồng thời hoạt động khai thác, sử dụng nước, khoan giếng tự phát còn diễn ra lâu nay nên nhân dân chưa nhận thức đúng mức về giá trị tài nguyên nước, dẫn đến tình trạng khai thác, sử dụng nước lãng phí; khai thác, sử dụng nước không phép, xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Đồng thời Luật Tài nguyên nước cũng quy định một số trường hợp khai thác nước với quy mô nhỏ không phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép (khai thác nước dưới đất với lưu lượng không vượt quá 10m3/ngày, khai thác nước mặt với lưu lượng không vượt quá 100m3 /ngày).
Hiện nay, pháp Luật Tài nguyên nước quy định 3 trường hợp trong khai thác, sử dụng nước là: khai thác với quy mô phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép, khai thác với quy mô nhỏ không phải cấp phép và khai thác với quy mô nhỏ trong khu vực phải đăng ký.
Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, thuận lợi dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện đề nghị Luật chỉ nên quy định 02 trường hợp trong khai thác, sử dụng nước là: Khai thác với lưu lượng phải lập hồ sơ cấp phép; các trường hợp còn lại kể cả khai thác nước mặt, nước dưới đất phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Hiện nay việc quản lý cấp phép tài nguyên nước đối với các công trình hồ chứa thủy lợi đã xây dựng nhiều năm trước đây trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là các hồ chứa này có trước khi ban hành Luật tài nguyên nước. Do vậy các chủ hồ không muốn thực hiện, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc nhắc nhở, yêu cầu.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/2/2023, có hiệu lực thi hành ngày 20/3/2023 đã xử lý, tháo gỡ một phần các tồn tại này đó là quy định một số công trình khai thác nước mặt quy mô nhỏ chuyển sang hình thức đăng ký.
PV: Vậy đâu là những giải pháp quản lý tài nguyên nước của Bình Định trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Huỳnh Quang Vinh: Tỉnh Bình Định tiếp tục tuyên truyền thực hiện pháp luật Tài nguyên nước tới các đối tượng khai thác, sử dụng nước.
Tiếp tục tăng cường công tác rà soát, đôn đốc hướng dẫn các đơn vị hoàn thành việc lắp đặt hệ thống giám sát tài nguyên nước trên địa tỉnh, thời hạn cuối vào ngày 31/12/2023 yêu cầu tất cả các công trình phải hoàn thành theo Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT.
Cùng với đó là đầu tư lắp đặt hệ thống máy chủ tại cơ quan có chức năng của tỉnh để thu nhận dữ liệu trực tiếp truyền về từ các đơn vị thực hiện giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước tự động, trực tuyến.
Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tài nguyên nước trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Xin vui lòng xem thêm:
- https://tainguyenvamoitruong.vn/lao-cai-huong-den-quan-ly-hieu-qua-tai-nguyen-nuoc-cid18583.html
- https://tainguyenvamoitruong.vn/vinh-phuc-tang-cuong-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-cid18551.html.
Đỗ Hùng (thực hiện)