
Giữ rừng mùa nắng và bài học quản lý rừng bền vững từ Kiểm lâm Chũ - Lục Ngạn
12/07/2025TN&MTTrong hành trình phát triển kinh tế xanh, Hạt Kiểm lâm Chũ - Lục Ngạn (tỉnh Bắc Ninh) đang âm thầm tạo nên những dấu ấn đáng kể. Bám sát phương châm “Bảo vệ rừng tại gốc”, lực lượng kiểm lâm không chỉ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trồng và khai thác rừng mà còn giữ vững an ninh rừng giữa những thách thức ngày càng gia tăng từ thời tiết, thị trường và áp lực phát triển kinh tế.
Nỗ lực không ngơi nghỉ trong phát triển lâm nghiệp bền vững
Tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025 đánh dấu những kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh do Hạt Kiểm lâm Chũ – Lục Ngạn quản lý. Dưới sự chỉ đạo sát sao của ông Phạm Văn Cường – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chũ – Lục Ngạn, lực lượng kiểm lâm đã bám sát rừng, sát địa phương, phối hợp hiệu quả với chính quyền cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép: phát triển rừng gắn với phát triển sinh kế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong công tác trồng rừng, Hạt Kiểm lâm Chũ – Lục Ngạn đạt gần 200% kế hoạch với 2.168,73ha rừng trồng tập trung và 394.486 cây phân tán. Kết quả này có được nhờ chiến lược tuyên truyền linh hoạt, khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng rừng, đồng thời áp dụng tốt các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên.
Ban đại diện nhóm hộ phối hợp với Hạt Kiểm lâm Chũ - Lục Ngạn và Tổ chức GFA đánh giá việc cấp chứng chỉ FSC
“Việc trồng rừng hiện nay không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội kinh tế. Nhân dân đã thay đổi tư duy, họ nhìn thấy rõ ràng lợi ích từ cây rừng và chính điều đó giúp chúng tôi hoàn thành kế hoạch sớm hơn dự kiến”, ông Phạm Văn Cường chia sẻ.
Cùng với phát triển, công tác khai thác và sử dụng rừng được thực hiện đúng quy định, có sự giám sát chặt chẽ tại gốc. Tổng sản lượng gỗ khai thác từ đầu năm đến nay tại địa bàn đạt 244.214 m³, với giá trị lâm sản khoảng 257 tỷ đồng, góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Đáng chú ý, khâu kiểm tra, giám sát từ tận gốc đến khâu vận chuyển đều được lực lượng Kiểm lâm thực hiện nghiêm túc, đảm bảo rừng trồng khai thác hợp pháp, đúng quy trình.
Tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên, chủ động phòng chống cháy rừng
Bên cạnh thành tích trong phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm Chũ – Lục Ngạn đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên – khu vực đang chịu nhiều áp lực bởi các hoạt động khai thác trái phép và điều kiện thời tiết cực đoan.
“Cấp cháy rừng thường xuyên ở mức IV, V – tức là nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Nắng hanh, độ ẩm thấp là điều kiện lý tưởng cho cháy rừng bùng phát nếu lơ là”, ông Cường cho biết.
Các lực lượng lượng chức năng diện tập PCCCR
Để ứng phó, trong 6 tháng đầu năm, Hạt đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); phối hợp với các lực lượng công an, quân sự và chính quyền xã tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên tại các điểm nóng – những nơi còn nhiều rừng tự nhiên thuộc Hạt quản lý.
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR được triển khai đa dạng qua phát thanh, tài liệu tuyên truyền, hội thi tại trường học, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng.
Bên cạnh đó, các vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp đều được phát hiện và xử lý kịp thời. Hạt đã xử lý tổng cộng 6 vụ vi phạm hành chính, tịch thu hơn 1 tấn củi, nộp ngân sách hơn 165 triệu đồng. Các hành vi như vận chuyển lâm sản trái phép, sai phạm trong quản lý hồ sơ đều bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Bám sát cơ sở, nâng cao kỷ cương hành chính và hiệu quả phối hợp
Một điểm sáng nổi bật trong chỉ đạo của Hạt trưởng Phạm Văn Cường là đề cao phương châm “bám sát rừng, bám sát chính quyền, bám sát dân”. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà được hiện thực hóa bằng sự có mặt thường xuyên của Kiểm lâm địa bàn tại xã, phối hợp chặt với UBND xã để nắm bắt thực tiễn và kịp thời xử lý vấn đề phát sinh.
Công tác cải cách hành chính cũng được đẩy mạnh. Hạt duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong 6 tháng, Hạt đã tiếp 4 lượt công dân, xử lý các kiến nghị đúng trình tự, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài.
Rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn vùng lòng hồ Cấm Sơn được bảo vệ chặt chẽ
“Chúng tôi xác định rõ vai trò của công chức là phục vụ nhân dân. Việc tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư là kênh phản hồi giúp lực lượng Kiểm lâm hoàn thiện hơn trong quá trình thực thi công vụ”, ông Cường khẳng định.
Ngoài ra, trên địa bàn hiện có hàng chục cơ sở chế biến lâm sản và gây nuôi động vật hoang dã được cấp phép. Hoạt động kinh doanh này được kiểm soát kỹ càng nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ đa dạng sinh học. Hạt Kiểm lâm tổ chức kiểm tra định kỳ và ghi nhận các cơ sở cơ bản chấp hành tốt quy định, không phát hiện sai phạm lớn.
Hướng tới mô hình lâm nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Chũ – Lục Ngạn xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra tại những địa bàn có nguy cơ cao.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là điều tra, cập nhật hiện trạng rừng, đồng thời nâng cao năng lực cho Kiểm lâm địa bàn. Theo ông Phạm Văn Cường, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ sẽ là “chìa khóa” để đảm bảo chất lượng tham mưu cho chính quyền cấp xã trong công tác quản lý rừng.
Màu xanh từ cánh rừng tự nhiên ở khu vực Lục Ngạn
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận còn một số tồn tại như một số Kiểm lâm chưa thực sự sâu sát địa bàn, còn thiếu tính chủ động; công tác tuyên truyền ở một vài địa phương còn thiếu chiều sâu; tổ đội PCCCR có nơi hiệu quả hoạt động chưa cao do thiếu kinh phí.
“Chúng tôi đang cố gắng từng bước khắc phục bằng cách tăng cường phối hợp với chính quyền, tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa và đề xuất chính sách hỗ trợ từ tỉnh”, ông Cường chia sẻ thêm.
Trong bối cảnh nhiều thách thức, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế, những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Hạt Kiểm lâm Chũ – Lục Ngạn là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực, trách nhiệm và tâm huyết của toàn lực lượng. Những người giữ rừng nơi “thủ phủ vải thiều” không chỉ góp phần bảo vệ lá phổi xanh cho quê hương mà còn gìn giữ tài nguyên cho thế hệ mai sau trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Đỗ Hùng
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Quảng Ninh: Nhiều kết quả nổi bật trong bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững
- Lạng Sơn: Chủ động trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;
- Nghệ An: Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng;
- Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại Thái Nguyên.