
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đổi mới rất lớn trong công tác thanh tra, kiểm tra
11/01/2024TN&MTNgày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những bài tham luận đánh giá những kết quả đã đạt được của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm qua. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường xin giới thiệu bài tham luận của ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình.
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu
Trong năm 2023, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và ngành đã dành sự quan tâm rất lớn lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực TN&MT và các hoạt động trong ngành. Trong năm 2023, ngành TN&MT Ninh Bình đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT định hướng và giao thực hiện nhiều nhiệm tại địa phương, chúng tôi nhận thấy lãnh đạo Bộ TN&MT luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ, đưa ra những định hướng cho địa phương. Từ đó, tạo nên không khí phấn khởi làm việc, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn.
Chúng tôi nhận thấy trong năm 2023, ngành TN&MT đã dành sự quan tâm đặc biệt trong việc bám sát chủ đề công tác “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Quan tâm đến công tác công tác bám sát thực tiễn, hoàn thiện thể chế, các chính sách pháp luật về quản lý TN&MT, đặc biệt đã cơ bản hoàn thành và trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và Khoáng sản,... Đây là những bộ luật hết sức quan trọng để kịp thời đánh giá, chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khơi thông nguồn lực tài nguyên và môi trường, nguồn lực phát triển đất nước; kịp thời điều chỉnh bổ sung các Nghị định, các Thông tư hướng dẫn để giải quyết những vấn đề khó khăn thực tiễn đặt ra.
Cũng trong năm 2023, ngành TN&MT có sự đổi mới rất lớn trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đây là nội dung quan trọng để tiếp tục tăng cường chấn chỉnh trong công tác quản lý TN&MT thực tiễn ở các địa phương để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực TN&MT hiệu quả, kỷ cương; đặc biệt là các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội, Chính phủ trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu để xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia về kết cấu hạ tầng; đồng thời kịp thời hướng dẫn thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh để đảm bảo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống, đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng và phát huy hiệu quả từ thực tiễn địa phương.
Công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa của ngành cũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là lĩnh vực đất đai và môi trường. Trên cơ sở đó, ngành TN&MT đã tham mưu hướng dẫn để quản lý thực hiện các nhiệm vụ về đất đai, tài nguyên môi trường và khoáng sản sát với thực tiễn. Đặc biệt, phân bổ quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đất đai trong việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kịp thời lắng nghe đề xuất, kiến nghị của các địa phương, trên cơ sở đó chỉ đạo các địa phương có báo cáo cụ thể, điều chỉnh linh hoạt, do vậy những điểm nghẽn, điểm vướng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong năm 2023 của các địa phương cơ bản được giải quyết.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cả thời kỳ và nhu cầu thực tiễn để điều chỉnh nội bộ trong quy hoạch của cả giai đoạn và điều chỉnh nội bộ của các tỉnh, thành phố. Bộ TN&MT đã kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc về đất đai, xác định được các chủ trương, nguyên tắc và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và phát huy vai trò của nguồn lực khoáng sản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đất nước.
Ninh Bình mong muốn Chính phủ và ngành TN&MT sớm tham mưu, báo cáo với Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng để tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn, để đảm bảo các quy định của pháp luật được công khai, minh bạch, thống nhất nguồn lực tài nguyên môi trường nói chung về đất đai được phát huy một cách tối đa. Đồng thời sửa đổi, hướng dẫn các quy định có liên quan để đảm bảo sự hiệu quả thống nhất giữa các cấp, các ngành.
Chúng tôi mong muốn và kiến nghị Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành, trung ương trong quá trình trao đổi, hướng dẫn cụ thể đến các địa phương thống nhất và có quan điểm rõ ràng. Nếu trả lời thì cần căn cứ vào các quy định của pháp luật, tuy nhiên có những vưỡng mắc từ thực tiễn thì cần có sự phối hợp, chia sẻ, tạo thống nhất, tạo chỗ dựa tinh thần, chỗ dựa chính trị và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhưng phải có báo cáo cơ quan thẩm quyền cao nhất quyết định để yên tâm tổ chức thực hiện.
Chúng tôi cùng mong muốn mỗi Bộ luật ra đời, khi đi áp dụng triển khai sẽ phù hợp với thực tiễn địa phương, bảo vệ quyền lợi cho người dân, đảm bảo công bằng, minh bạch và phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
TQ.