
Các chuyên gia đề xuất: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển rừng bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero
10/10/2024TN&MTBảo vệ rừng là nhiệm vụ then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050. Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, mỗi năm trồng thêm khoảng 238.000 ha rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.
Để hiểu rõ thực trạng, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường xin giới thiệu ý kiến chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát triển rừng bền vững. Từ đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực cho phát triển rừng bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero.
TS. Hà Công Tuấn, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Trong đó, giá tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD đến gần 200 USD mỗi tấn.
Giá trị của carbon phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: Loại hình dự án tạo ra tín chỉ carbon; các tiêu chuẩn áp dụng để xác định tín chỉ carbon (chẳng hạn như tiêu chuẩn Vera, Verified Carbon Standards (VCS), Gold Standards, hay American Carbon Registry); sự hiện diện của các lợi ích đi kèm (co-benefits); và cuối cùng là địa điểm giao dịch. Để không nằm ngoài xu hướng này, Việt Nam đang hướng tới thị trường carbon tuân thủ, có sàn giao dịch, bắt buộc, khái niệm thị trường tín chỉ carbon còn rất mới mẻ, có nhiều thông tin về cách thức vận hành của thị trường, loại hình dự án, các hệ thống tiêu chuẩn carbon, cơ sở hình thành giá cả,… Không những thế, tại Nghị định số 06/2022/ND-CP, Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu việc phát triển cũng như thời điểm triển khai thị trường carbon thành hai giai đoạn:
Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: Tập trung xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; đồng thời xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng, cũng như hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, phù hợp với quy định pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, Việt Nam sẽ thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025, đồng thời, triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2028: Chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trong năm 2028 và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và quốc tế. Tôi cho rằng, lộ trình này của Chính phủ là rất hợp lý, mặc dù không phải là nước đi trước về phát triển thị trường tín chỉ carbon nhưng Việt Nam cũng không phải là nước đi sau”. “Không những thế, lộ trình này sẽ đóng góp vào quá trình đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cũng như quá trình phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới.
TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam: Việt Nam là quốc gia nhiệt đới với địa hình phần lớn là đồi núi, chiếm tới ¾ diện tích lãnh thổ, do đó, lâm nghiệp có vai trò quan trọng về kinh tế và sinh thái của hầu hết các vùng lãnh thổ. Chúng ta đều nhận thức rất rõ rằng, rừng là nguồn tài nguyên quý giá, rừng có giá trị rất lớn là kinh tế và môi trường và thể hiện qua bốn khía cạnh nổi bật: Kinh tế, môi trường, văn hóa, và thuỷ lợi.
Thứ nhất, giá trị kinh tế của rừng nằm ở việc cung cấp gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, góp phần tạo ra nguồn thu nhập quan trọng cho con người và nền kinh tế.
Thứ hai, về giá trị môi trường, rừng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy, điều hòa khí hậu, là nơi cư trú của các loài sinh vật, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học. Rừng còn góp phần cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Thứ ba, giá trị văn hóa của rừng gắn liền với vẻ đẹp thiên nhiên, lịch sử, và truyền thống lâu đời của các dân tộc Việt Nam. Rừng không chỉ là nơi tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là biểu tượng của mối quan hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên.
Thứ tư, giá trị thủy lợi của rừng cũng không thể không nhắc đến. Rừng là một "hồ chứa nước tự nhiên" và "trạm bơm sương khổng lồ", giúp điều hòa khí hậu và hệ thống thủy văn. Rừng làm giảm sức mạnh của mưa, ngăn chặn xói mòn đất, hạn chế lũ lụt, và tăng dung tích chứa nước tự nhiên, từ đó, duy trì cân bằng khí hậu và bảo vệ môi trường sống.
Đặng Thị Thủy, Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính, Bộ Tài chính: Trong Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã xác định hai loại hàng hóa chính gồm: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính (do Bộ TN&MT phân bổ cho cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính) và tín chỉ carbon do Bộ TN&MT xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon (được tạo ra từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước và quốc tế).
Thị trường carbon sẽ có sự tham gia của hai nhóm chủ thể chính là nhà đầu tư và tổ chức trung gian. Nhà đầu tư được hiểu bao gồm 3 đối tượng. Một là, cơ sở thuộc Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính. Hai là, tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc quốc tế. Ba là, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.
Về mặt vận hành, Bộ TN&MT cũng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon trong nước, đồng thời giám sát sàn giao dịch tín chỉ carbon, theo các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các nghị định liên quan. Trong thời gian tới, để đảm bảo sự thành công của Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, bà Thủy đã đề xuất ba nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các quy định liên quan đến quản lý tín chỉ carbon, bao gồm việc đấu giá, chuyển giao và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế tài chính và hoàn thiện quy trình đo đạc, thẩm định giảm nhẹ phát thải.
Thứ hai, nâng cao năng lực tổ chức và vận hành thị trường. Theo đó, cần kiện toàn bộ máy tổ chức, phát triển nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động của thị trường carbon.
Thứ ba, tăng cường nhận thức và năng lực. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cộng đồng về thị trường tín chỉ carbon, đồng thời hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hệ thống thông tin cần thiết để quản lý thị trường hiệu quả.
Theo lộ trình, đến cuối 2024 sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp. Đến năm 2025-2027, thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật. Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động; nghiên cứu khả năng kết nối với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới.
Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone, Cục Biến đổi khí hậu: Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tuy nhiên, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu hoặc chưa quy định cụ thể. Tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước chưa được xây dựng. Ngoài ra, kinh phí cần bố trí trước để xây dựng dự án, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ là tương đối lớn. Hiện chưa có định giá về giá tín chỉ carbon rừng làm cơ sở cho việc đàm phán về giá với bên mua. Trong khi đó, các tiêu chuẩn quốc tế đưa ra yêu cầu rất cao về kỹ thuật, môi trường, xã hội để đánh giá, thẩm định và cấp tín chỉ. Mỗi đối tác có quy định khác nhau nên nội dung, phương thức đàm phán, ký kết và thực thi thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) là khác nhau. Kinh phí cần bố trí trước để xây dựng dự án, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ là tương đối lớn và chưa có định giá về giá tín chỉ carbon rừng làm cơ sở cho việc đàm phán về giá với bên mua.
Phương Đông (lược ghi)