
Cần điều kiện gì để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi EPR?
04/04/2024TN&MTTrách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường. Trong đó nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa đó, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã chính thức có hiệu lực từ 01/01/2024.
Theo đó, từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2025. Nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027.
Mặc dù từ năm 2005, với Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên từ năm 2005 đến nay mới chỉ là doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện, từ năm 2022 đối với trách nhiệm xử lý và từ 2024 với trách nhiệm tái chế có tính chất bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia và thực hiện.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP.
Ông Nguyễn Thi – Chuyên viên chính phụ trách lĩnh vực Môi trường, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo ông Nguyễn Thi – Chuyên viên chính phụ trách lĩnh vực Môi trường, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Việc thực hiện trách nhiệm tái chế không chỉ làm sạch cho đất nước mà còn góp phần để đất nước phát triển hơn khi hiện nay kinh tế tuần hoàn đặt ra yêu cầu các sản phẩm phế liệu cần được thu gom, tái chế, phải đáp ứng được các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.
Chúng ta cũng hỗ trợ cho các nhà sản xuất, nhập khẩu đặc biệt là các nhà sản xuất, nhập khẩu lớn thực hiện được cam kết toàn cầu của mình trong việc sử dụng các sản phẩm tái chế, trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trong việc thực thi các cam kết FTA thế hệ mới.
Ông Thi nhấn mạnh, đây là việc các bên cùng nhau hỗ trợ, cùng làm. Nhà nước và doanh nghiệp cùng có trách nhiệm thực hiện chứ không phải trách nhiệm từ một phía.
Từ năm 2020 Luật Bảo vệ môi trường quy định tại Điều 54 và Điều 55 và quy định tại Chương VII của dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Đây cũng chính là quy định nhằm áp dụng cơ chế “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất- extended producer responsibility - EPR”, một cơ chế đã được áp dụng rộng rãi và thành công ở nhiều nước trên thế giới từ những năm 1990, để thu hồi sản phẩm, bao bì sau sử dụng để tái chế, xử lý một cách hiệu quả nhất, đạt được mục tiêu kép là bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai rất nhiều các cuộc tập huấn, thảo luận, tọa đàm để phổ biến các chính sách này.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật BVMT năm 2020 đã có quy định, Nghị định 08/2022/NÐ-CP cũng đã được ban hành năm 2022, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang sửa đổi Nghị định 08/2022/NÐ-CP để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện theo tinh thần cải cách hành chính, giảm bớt gánh nặng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Nghị định sửa đổi này đã được trình Chính phủ, doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi mới trong việc thực hiện luật bảo vệ môi trường của mình. Trong đó, theo ông Thi quy định về thực thi EPR cũng đã được sửa đổi cho phép doanh nghiệp thực hiện trả tiền một lần, quy định về quy cách tái chế phù hợp hơn với thực tiễn và không yêu cầu doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu, tái chế quá sâu.
“Chúng ta chỉ đưa đến mức trở thành nguyên liệu phế liệu để sản xuất. Lúc đó gánh nặng trong trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ giảm đi mà chúng ta vẫn đạt được mục tiêu về thu gom và xử lý các sản phẩm bao bì. Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ định mức chi phí tái chế EPR để doanh nghiệp có căn cứ xác định trách nhiệm của mình quy đổi ra tiền. Từ đó, tự xác định được doanh nghiệp nên đóng tiền hay tự tái chế”, ông Nguyễn Thi chia sẻ!.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thành thông tư về quản lý số tiền đóng góp của doanh nghiệp vào quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý tái chế các sản phẩm bao bì. “Các thông tin này cũng đã được doanh nghiệp đón nhận, góp ý để hoàn thiện và chúng tôi cũng đã hoàn thành tất cả các bước, hiện đang chờ trình Bộ trưởng ký ban hành”, ông Thi cho hay!.
Có thể thấy, đây là thông tư rất quan trọng để sử dụng kinh phí đóng góp của nhà sản xuất vào việc nâng cao hạ tầng thu gom tái chế ở Việt Nam đặc biệt là thu gom, tái chế các sản phẩm bao bì.
Từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu chính thức thực hiện trách nhiệm tái chế
Đánh giá về những khó khăn hiện nay doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, ông Nguyễn Thi cho rằng, phải làm sao để doanh nghiệp xác định được các loại bao bì thuộc loại mình sản xuất ra hay không để cần phải thu gom tái chế. Hay bao bì đó là những sản phẩm bao bì gì, bao bì trực tiếp hay bao bì ngoài…
Vì vậy, doanh nghiệp phải xác định được thu gom và tái chế ra sao để đăng ký tái chế, việc tổ chức thực hiện như thế nào. Cần phải xác định việc thu gom cho mục tiêu gì và tái chế theo đúng quy cách tái chế bắt buộc; Đối với các cơ sở được tái chế phải đảm bảo việc bảo vệ môi trường… Đây là những khó khăn mà doanh nghiệp cần phải dự đoán, xác định để thực hiện. Trong thời gian sắp tới, để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ông Thi cho rằng:
Thứ nhất, phải ban hành được định mức chi phí tái chế để doanh nghiệp sớm biết được trách nhiệm của mình, quy ra tiền để cân nhắc xem là cần bao nhiêu tiền để tổ chức thực hiện.
Thứ hai, cần phải ban hành được thông tư quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động thu gom tái chế đối với sản phẩm bao bì.
Thứ ba, phải ban hành các quy định để hướng dẫn kĩ thuật để tổ chức thực hiện việc phân loại, hướng dẫn trong việc lựa chọn các nhà thu gom tái chế hay có các quy định hướng dẫn về đăng ký kê khai để giúp các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Bảo Loan