
Địa phương đề xuất thẳng thắn - Trung ương cần cơ chế kịp thời
26/07/2025TN&MTMỗi địa phương một điều kiện, một thế mạnh, nhưng điểm chung là khát vọng vươn lên từ nông nghiệp. Những chia sẻ thẳng thắn và đề xuất cụ thể từ các lãnh đạo địa phương tại Hội nghị sơ kết ngành Nông nghiệp và Môi trường không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm, mà còn cho thấy tầm nhìn dài hạn, thực tiễn và đầy quyết tâm. Từ hồ chứa nước trên cao ở miền núi đến vùng nuôi thủy sản công nghệ cao, từ cải cách thủ tục đất đai đến chuyển đổi số trong quản lý sản xuất - tất cả đều là nỗ lực kiến tạo một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bao trùm.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Nông nghiệp và Môi trường, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng khẳng định rõ: “Muốn tạo ra chuyển biến thực chất, phải đổi mới tư duy quản lý, phân quyền mạnh mẽ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đặc biệt là lắng nghe thực tiễn từ cơ sở.”
Trên tinh thần đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đánh giá cao những nỗ lực và sáng kiến từ các địa phương, từ việc tiên phong cải cách thủ tục hành chính, tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng thủy lợi trên cao đến ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý ngành. Đây chính là những tiền đề quan trọng để Bộ Nông nghiệp và Môi trường định hướng lại cơ chế, hoàn thiện chính sách và tạo nền tảng pháp lý thuận lợi hơn cho địa phương thực thi nhiệm vụ.
Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Lời chỉ đạo của người đứng đầu ngành đã tạo nên sự kết nối xuyên suốt giữa chủ trương Trung ương và hành động tại cơ sở – nơi những người làm nông nghiệp đang ngày đêm xoay xở, sáng tạo để thích ứng và phát triển. Từ Hà Nội, Hưng Yên đến An Giang, Điện Biên… các Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã mang đến hội nghị nhiều tiếng nói thực tế, gợi mở những giải pháp cụ thể, có thể nhân rộng trên bình diện quốc gia.
ÔNG NGUYỄN XUÂN ĐẠI – GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG TP. HÀ NỘI: Hà Nội tiên phong đổi mới quản trị ngành nông nghiệp trong mô hình hai cấp
Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn tổ chức lại bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp (thành phố và xã/phường), với nhiều thay đổi lớn trong phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa các cấp. Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường được giao nhiều nhiệm vụ mới, đòi hỏi tư duy đổi mới, cách làm chủ động, linh hoạt.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định số 131, 136 và 151/2025/NĐ-CP về phân định thẩm quyền, phân cấp quản lý và lĩnh vực đất đai, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã chủ động quán triệt, phổ biến nội dung và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.
Tính đến nay, Hà Nội đã tiếp nhận 85 nhiệm vụ do Trung ương phân cấp, 19 nhiệm vụ chuyển từ cấp huyện lên, đồng thời giao về cấp xã 147 thủ tục hành chính (TTHC). Sở đã tiến hành rà soát hệ thống quy định hiện hành, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật phục vụ công tác quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng, bảo đảm tính liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý trong giai đoạn chuyển tiếp.
Cải cách hành chính là một trong những trụ cột được Sở đặc biệt chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở đã rà soát 286 TTHC (177 thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 109 tài nguyên môi trường, 42 thực hiện tại cấp xã), hoàn thiện quy trình giải quyết và công khai trên Cổng dịch vụ công.
Sở cũng đã tham mưu đơn giản hóa 34 TTHC trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời trình UBND Thành phố giảm thời gian giải quyết cho 52 TTHC theo các nhóm “làn xanh” và nhóm phục vụ sản xuất, kinh doanh. Việc ủy quyền giải quyết 42 TTHC từ UBND Thành phố cho Sở và các đơn vị trực thuộc giúp tinh gọn quy trình, rút ngắn thời gian và tăng tính chủ động của cơ quan chuyên môn.
Để bảo đảm không gián đoạn công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, Sở đã hướng dẫn bàn giao công trình và nhiệm vụ đặt hàng dịch vụ công ích thủy lợi từ cấp huyện về xã/phường. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng phân loại các công trình tiêu thoát nước đô thị, tránh chồng chéo thẩm quyền.
Từ ngày 01/7/2025, Sở tiếp nhận toàn bộ nhiệm vụ giám sát duy trì vệ sinh môi trường toàn Thành phố. Sáu tổ kiểm tra được thành lập, bảo đảm nghiệm thu khối lượng, xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật, giữ ổn định hoạt động dịch vụ trong suốt giai đoạn chuyển giao.
Một trong những điểm nhấn là tiến độ triển khai Dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. Đến nay, Sở đã cập nhật dữ liệu cho hơn 81.000 thửa đất, hoàn thành đối soát bản đồ, lưu trữ tại hệ thống dùng chung của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Sở đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm, tích hợp dữ liệu các quận, huyện để đến quý IV/2025 vận hành đồng bộ trên toàn thành phố.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã giao Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số làm đầu mối triển khai toàn diện các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành. Trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, tích hợp hệ thống điều hành, kết nối với hệ thống Thành phố, ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính và hỗ trợ địa phương chuyển đổi số gắn với nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với phương châm “Chủ động – Kịp thời – Hiệu quả – Không phát sinh thủ tục mới”, ngành Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã vận hành thông suốt trong bối cảnh thay đổi lớn về tổ chức bộ máy. Đây là minh chứng cho tư duy quản trị hiện đại, bám sát thực tiễn, vì mục tiêu phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp Thủ đô.
ÔNG NGUYỄN ĐỨC KIỀN (GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG HƯNG YÊN): Quản lý đất đai hiệu quả – Đòn bẩy thu hút đầu tư nông nghiệp, công nghiệp
Với mục tiêu khơi thông nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư vào công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh là một trong những đơn vị nòng cốt tham mưu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực.
Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã hướng dẫn các địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kịp thời cập nhật kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cấp huyện để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, Sở chủ động rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng và thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Sở giữ vai trò thường trực tổ giúp việc, trực tiếp tham mưu tháo gỡ vướng mắc trong các thủ tục thu hồi, giao, cho thuê và chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã giao và cho thuê đất cho các tổ chức đầu tư sản xuất công nghiệp với diện tích 870,35 ha và phát triển nông nghiệp công nghệ cao với 2,18 ha. Tổng diện tích tích tụ, tập trung đất đai vụ xuân đạt gần 7.000 ha.
Tỉnh Hưng Yên hiện có 23 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 5.900 ha, trong đó 17 khu đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, đã thành lập 79 cụm công nghiệp (diện tích hơn 4.200 ha), trong đó có 36 cụm đang vận hành sản xuất. Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng và xử lý môi trường tại các khu vực này tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các dự án thứ cấp, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó có miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về quy trình thủ tục. Đây là điều kiện quan trọng thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn gặp không ít vướng mắc: Các điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn là rào cản khiến doanh nghiệp khó thực hiện quyền chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; phần lớn dự án nằm trên đất trồng lúa – chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ từ Trung ương còn hạn chế. Tình trạng không đồng thuận trong giải phóng mặt bằng hoặc sử dụng đất sai mục đích vẫn diễn ra, gây lãng phí nguồn lực và làm chậm tiến độ triển khai đầu tư.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch đã được phê duyệt, tháo gỡ bất cập trong giao đất theo tiến độ đầu tư. Đồng thời, đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Đất đai 2024, đặc biệt với các dự án có phân kỳ tiến độ thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận khi doanh nghiệp thực hiện tích tụ đất đai; cho phép nhà đầu tư được triển khai dự án trên phần diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng "chờ đủ mới giao", gây lãng phí thời gian và nguồn lực.
Để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, tỉnh Hưng Yên cũng đặt mục tiêu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong sử dụng đất, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp. Công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất, ngăn ngừa tình trạng trục lợi chính sách, lợi ích nhóm làm méo mó thị trường đất đai.
Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp được giao nhiệm vụ giám sát việc sử dụng đất, nhanh chóng đưa quỹ đất chưa khai thác vào hoạt động; đồng thời chủ động đổi mới xúc tiến đầu tư, ưu tiên ngành nghề có công nghệ tiên tiến, xanh và thân thiện với môi trường.
ÔNG LÊ HỮU TOÀN (GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH AN GIANG: Phát triển nông – lâm – thủy sản bền vững, hướng tới tăng trưởng kinh tế hai con số
Tỉnh An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng và động lực then chốt trong thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế hai con số. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng toàn tỉnh đạt 8,12%, riêng ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,42%, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung và giữ vai trò ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo kế hoạch tăng trưởng, ngành nông nghiệp An Giang đặt mục tiêu đạt 53.004 tỷ đồng (tăng 4,78% so với năm 2024). Trong nửa đầu năm, giá trị tăng trưởng đã đạt 25.175 tỷ đồng, tương đương 3,42%, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó: Trồng trọt chiếm 64% mức tăng trưởng, với sản lượng gần 5 triệu tấn lúa, trong đó 96% là lúa chất lượng cao. Diện tích lúa đạt chuẩn phát thải thấp đạt hơn 108.000 ha. Thủy sản chiếm 26% tỷ trọng tăng trưởng ngành. Sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt tổng cộng hơn 780.000 tấn. Riêng cá tra đạt 367.500 tấn, bằng 57,5% kế hoạch năm. Chăn nuôi duy trì ổn định, đàn gia cầm phát triển mạnh, yến sào tăng thêm 91 tỷ đồng, trở thành ngành hàng tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ lớn.
Đặc biệt, An Giang đã nhân rộng diện tích sản xuất lúa đạt chứng nhận "Gạo Việt xanh phát thải thấp", nâng tổng diện tích triển khai lên hơn 12.000 ha trong 6 tháng đầu năm, sản lượng hơn 80.000 tấn.
Với vai trò là trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu tăng tốc trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành kịch bản tăng trưởng kinh tế hai con số.
Trồng trọt: Phấn đấu đạt thêm 3,88 triệu tấn lúa (đưa tổng sản lượng cả năm lên 8,87 triệu tấn), mở rộng diện tích lúa chất lượng cao và phát thải thấp thêm 36.000 ha, góp phần giảm phát thải và nâng cao giá trị gia tăng.
Chăn nuôi: Duy trì tổng đàn ổn định, đặc biệt tập trung vào yến sào (mục tiêu đạt 32 tấn cả năm) và gia cầm để đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm.
Thủy sản: Phấn đấu đạt 573.000 tấn trong nuôi trồng và hơn 213.000 tấn trong khai thác. Tập trung hỗ trợ vùng nuôi cá tra, tôm nước lợ và mở rộng mô hình nuôi cá rô phi. Công ty CP Nam Việt là đơn vị điển hình với 17 vùng nuôi cá tra, sản lượng trên 70.000 tấn/năm.
Bên cạnh các mục tiêu sản lượng, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình trọng điểm như: tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021–2025, phát triển nông nghiệp bền vững đến 2030, và Đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp".
Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo phương châm “6 rõ” (rõ người – rõ việc – rõ thời gian – rõ trách nhiệm – rõ sản phẩm – rõ thẩm quyền), thường xuyên kiểm tra tiến độ và sản xuất tại cơ sở.
Định hướng dài hạn đặt trọng tâm vào: (1) Phát triển theo chuỗi giá trị: Tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ; đầu tư thủy lợi, cơ giới hóa và chế biến sâu. (2) Chuyển dịch cơ cấu nội ngành: Tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản, phát triển các sản phẩm giá trị cao như thịt, sữa, giống cá tra. (3) Du lịch nông nghiệp: Gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển dịch vụ, góp phần vào tăng trưởng ngành dịch vụ. (4) Chuyển đổi số và công nghệ cao: Ứng dụng thiết bị bay không người lái, nền tảng tư vấn canh tác trực tuyến, truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng và tích hợp đo lường tín chỉ carbon.
Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các Bộ, ngành Trung ương: (1) Hỗ trợ hạ tầng logistics: Phát triển chuỗi cung ứng nông sản kết nối vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh. (2) (3) Xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp số: Tích hợp thông tin sản xuất, thị trường, dự báo xu hướng, phục vụ chính sách và định hướng sản xuất.(4) Thành lập trung tâm nghiên cứu – chế biến sâu: Nâng cao giá trị nông sản, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
ÔNG LÊ XUÂN CẢNH (GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG ĐIỆN BIÊN): Phát triển hệ thống thủy lợi lớn, trên cao - Giải pháp chiến lược cho sản xuất nông nghiệp bền vững ở miền núi
Trong bối cảnh cơ cấu ngành nông nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng hiệu quả và thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Điện Biên xác định đầu tư phát triển các hệ thống thủy lợi lớn, đặt trên cao là giải pháp đột phá nhằm khai thác tiềm năng đất dốc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại khu vực miền núi như Điện Biên, phần lớn các công trình thủy lợi hiện hữu được xây dựng ở cao độ thấp, phục vụ chủ yếu cho tưới lúa tại các thung lũng, sườn đồi thoải – vốn chỉ chiếm 3–5% diện tích đất sản xuất. Hệ thống dẫn nước chủ yếu bằng kênh hở, không đủ áp lực hoặc chiều cao để cấp nước cho những vùng đất dốc, đồi cao – nơi chiếm phần lớn diện tích canh tác của tỉnh.
Trong khi đó, đầu tư cho tưới lúa lại có suất đầu tư rất cao, lên tới 1–1,5 tỷ đồng/ha, nhưng chỉ tưới được 100 ha với 1 triệu m³ nước. Ngược lại, các loại cây trồng dài ngày như Mắc ca – cây chủ lực mới của tỉnh – cần lượng nước tưới rất nhỏ nhưng lại đòi hỏi hệ thống thủy lợi có khả năng đưa nước lên cao.
Hiện nay, Điện Biên đã phát triển được 12.000 ha Mắc ca – lớn nhất cả nước, chiếm gần 27% tổng diện tích cả nước – và 8.000 ha cà phê. Tuy nhiên, phần lớn diện tích Mắc ca đều không có nước tưới, phụ thuộc hoàn toàn vào mưa tự nhiên. Đặc biệt, giai đoạn ra hoa đậu quả của Mắc ca (từ tháng 1–3 hằng năm) lại trùng với thời điểm khô hạn nhất, khiến tỷ lệ đậu quả thấp, ảnh hưởng đến năng suất.
Vì vậy, tỉnh xác định việc xây dựng các hồ chứa nước đặt trên cao, dẫn nước bằng hệ thống ống đến các sườn đồi là giải pháp tất yếu, vừa đảm bảo nước tưới hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí và dễ triển khai giải phóng mặt bằng (do khu vực lòng hồ ít dân cư sinh sống).
Theo tính toán, 1 triệu m³ nước có thể tưới cho 10.000 ha Mắc ca, gấp 100 lần so với tưới lúa. Suất đầu tư cho hệ thống tưới Mắc ca chỉ từ 70–100 triệu đồng/ha – bằng 1/15 so với lúa – trong khi hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều. Ngoài nước tưới, các hồ chứa trên cao còn cấp được nước sinh hoạt, nhất là tại các khu dân cư rải rác ở miền núi.
Tỉnh Điện Biên đang triển khai Dự án Hồ chứa nước Sái Lương sử dụng vốn ODA của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), với tổng mức đầu tư hơn 1.389 tỷ đồng, dung tích 6,2 triệu m³. Dự án sẽ cung cấp nước tưới cho 21.000 ha Mắc ca và nước sinh hoạt cho 35.000 dân. Hệ thống đường ống dẫn nước dài 120 km sẽ mở rộng khả năng cấp nước cho vùng đất cao vốn không thể tiếp cận được bởi các công trình truyền thống.
Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2026, trở thành hình mẫu cho việc phát triển thủy lợi lớn, hiệu quả tại các tỉnh miền núi.
Nhìn xa hơn, Điện Biên đã khảo sát được 10 vị trí có thể xây dựng hồ chứa trên cao, mỗi hồ có dung tích từ 5–15 triệu m³, phục vụ tưới tiêu cho từ 5.000–10.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho 15.000–20.000 người. Với tổng vốn đầu tư ước tính 500–1.000 tỷ đồng/hồ, đây là các dự án có tính lan tỏa, hiệu quả cao và tác động tích cực đến giảm nghèo, bảo vệ rừng, ứng phó thiên tai và phát triển sinh kế vùng cao.
Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường: (1) Ưu tiên đầu tư công trung hạn 2026–2030 cho các dự án hồ chứa trên cao tại miền núi, đặc biệt tại các tỉnh đầu nguồn có chức năng phòng hộ như Điện Biên. (2) Phân bổ nguồn lực đầu tư theo tiêu chí địa hình, độ che phủ rừng, mức thu ngân sách để hỗ trợ tỉnh nghèo có điều kiện phát triển bền vững. (3) Hỗ trợ khảo sát, thiết kế, lập dự án và thẩm định kỹ thuật cho các công trình thủy lợi lớn, trọng điểm.
Việc đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi trên cao không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, mà còn giúp Điện Biên giữ vững rừng, nâng cao độ che phủ, phòng chống thiên tai và bảo vệ nguồn nước cho vùng đồng bằng. Đây cũng là chìa khóa để hiện thực hóa khát vọng đưa Điện Biên trở thành trung tâm sản xuất Mắc ca quy mô lớn tầm quốc gia và quốc tế, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và bao trùm.
Những kiến nghị tâm huyết từ các địa phương không chỉ phản ánh thực tiễn đang diễn ra tại cơ sở, mà còn gửi gắm khát vọng thay đổi tư duy quản lý, phân bổ nguồn lực và thiết kế chính sách. Khi tiếng nói từ cơ sở được lắng nghe và đồng hành bởi các quyết sách linh hoạt, hiệu quả từ Trung ương, đó sẽ là tiền đề để ngành Nông nghiệp và Môi trường phát triển theo hướng xanh, hiện đại, bền vững. Đã đến lúc, những ý tưởng và giải pháp từ địa phương cần được cụ thể hóa thành hành động, để mỗi vùng đất – dù miền núi xa xôi hay đồng bằng trù phú – đều có thể vươn lên từ nông nghiệp, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Hồng Minh