
Nghệ An: Nông nghiệp phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh
28/07/2025TN&MTXuyên suốt chủ trương, định hướng của ngành nông nghiệp Nghệ An là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp
Đặt trong bối cảnh cảnh tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng được chú trọng. Do đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh đang là vấn đề then chốt được quan tâm hiện nay của ngành nông nghiệp cả nước nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An nói riêng.
Vốn là tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng lợi thế về mặt nông nghiệp như diện tích đất canh tác, tổng đàn chăn nuôi hay như diện tích rừng được đánh giá lớn nhất cả nước. Nghệ An đang nỗ lực để đưa ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm với những ưu thế đang sở hữu.
Sản xuất an toàn góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu
So với trước đây, nhiều diện tích đất bỏ hoang, người dân không mặn mà canh tác, tuy nhiên nhờ tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng, có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là khu vực nông thôn.
Điển hình ở lĩnh vực trồng trọt từ chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ; ổn định sản xuất lúa trên diện tích đất 2 vụ chủ động tưới, tiêu nước. Đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ để phát triển cây nguyên liệu, cây ăn quả, cây dược liệu có thế mạnh,... Hàng năm, sản lượng lương thực bình quân đạt trên 1,1 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đạt 1.012.600 tấn, năng suất đạt 60,34 tạ/ha.
Riêng về lĩnh vực chăn nuôi phát triển số lượng và chất lượng các loại vật nuôi, như bò thịt, bò sữa, lợn và gia cầm; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khuyến khích chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển tập trung, quy mô công nghiệp, thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 49%.
Sử dụng chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu chi phí sản xuất
Rõ hơn trong định hướng về phát triển xanh trong nông nghiệp tỉnh Nghệ An là từ Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, giai đoạn 2022 – 2030 theo Quyết định số 885 ngày 23/6/2020 của Chính phủ, tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 nâng diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp toàn tỉnh; Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2,0% tổng diện tích đất trồng trọt với các loại cây trồng chính: Lúa, rau củ quả, mía, lạc, cây ăn quả, chè, dược liệu...; Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2,0 - 3,0%. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên: Thịt gia súc gia cầm, sữa bò, mật ong...; Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5- 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ….
Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hình thành
Cụ thể hóa cho Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, giai đoạn 2022 – 2030 của tỉnh Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và đang ngày một được lựa chọn là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển xanh.
Rõ ràng, Nghệ An có diện tích đất trồng lớn, đặc biệt là các loại cây trồng như lúa, mía, đậu, đỗ, cà phê, chè, hồ tiêu, bưởi, cam, quýt, nho, lựu, dưa hấu, xoài, bạc hà và các loại dược liệu... Đây chính là cơ hội rất lớn để tỉnh này xây dựng nền nông nghiệp xanh trong tương lai gần.
Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị đã mang lại hiệu ứng tích cực
Điển hình như Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An giai đoạn 2022 - 2024” với quy mô 10 ha với sự tham gia của 10 hộ dân tại xã Thành Bình Thọ (huyện Anh Sơn cũ). Hiện, toàn tỉnh có trên 8.300 ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn thứ 3 cả nước với sản lượng chè búp tươi gần 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ còn là một con số khá khiêm tốn. Do đó, dự án được thực hiện sẽ là bước khởi đầu để tiến đến phát triển cây chè theo hướng hữu cơ toàn diện.
Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh kết hợp kiểm soát tốt sâu bệnh bằng thuốc sinh học… nên toàn bộ diện tích chè của mô hình sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại, đất tơi xốp, búp ra đều, năng suất bình quân đạt 1,5-2,5 tấn/ha/lứa.
Kể từ khi bắt tay vào xây dựng, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ từ các khâu chăm sóc thâm canh; bón phân cân đối về dinh dưỡng, bón đúng cách, đúng thời điểm...
Bà Bùi Thị Tâm xóm Tân Hợp (xã Thành Bình Thọ) cho biết: “Từ khi tham gia thực hiện dự án, gia đình bà tôi chuyển hướng thâm canh cây chè theo mô hình sản xuất hữu cơ với diện tích 1,5 ha. Sau thời gian thực hiện, tôi nhận thấy sản xuất theo hướng này rất thân thiện với môi trường, tất cả các khâu chăm sóc đều không sử dụng đến hóa chất. Nhờ đó, đất không bị chai cứng mà còn tơi xốp hơn, chè cho thu hoạch chất lượng hơn. Đặc biệt là môi trường được bảo vệ”.
Bên cạnh mô hình chè hữu cơ liên kết được triển khai, nhiều chủ trang trại cũng đang từng bước vận hành mô hình theo hướng phát triển này như: Mô hình nuôi lợn hữu cơ ở xã Đông Thành (huyện Yên Thành cũ), mô hình sản xuất và trồng cây dược liệu ở xã Con Cuông (huyện Con Cuông cũ), mô hình trồng nho sữa Hàn Quốc ở xã Đông Lộc (huyện Nghi Lộc cũ),…
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là xu thế hiện nay của nhiều chủ trang trại
Để đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được mở rộng và bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức, tư duy cho người dân. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triến sản xuất nông nghiệp, nông thôn nói chung của tỉnh, của Trung ương và theo quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ; Tiếp tục thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Nghệ An và các chính sách hiện hành; Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù cua địa phương về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bùi Ánh