
Hợp tác quốc tế của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày càng chủ động, hiệu quả
12/01/2024TN&MTNgày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những bài tham luận đánh giá những kết quả đã đạt được của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm qua. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường xin giới thiệu bài tham luận của ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về TN&MT, tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế, pháp luật, bảo đảm kịp thời dữ liệu đầu vào phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực đất đai chuyên ngành. Đặc biệt lĩnh vực hợp tác quốc tế của Bộ TN&MT ngày càng chủ động, hiệu quả trong xu thế chung chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong vài năm gần đây, thế giới xuất hiện nhiều xu hướng có tính chất bước ngoặt, trong đó có 3 điểm nổi bật liên quan tới lĩnh vực TN&MT. Đó là:
Thứ nhất, thế giới đã bước sang giai đoạn tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tăng cường kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng đặt ra trách nhiệm quản lý nhà nước rất lớn cho Bộ TN&MT, không chỉ tham mưu chính sách, luật pháp mà còn phải tham mưu thể chế, cơ chế, mô hình, phương thức phù hợp với xu thế xanh, chuyển đổi xanh.
Thứ hai, cùng với xu hướng chuyển đổi xanh, cuộc chạy đua về khoa học công nghệ, nhất là trong thiết lập tiêu chuẩn mới, luật xanh mới đòi hỏi vai trò dẫn dắt của Bộ TN&MT phối hợp của các Bộ ngành liên quan, không chỉ về khoa học công nghệ và dẫn dắt sự phát triển các ngành nghề.
Thứ ba, cùng với cạnh tranh chiến lược gia tăng, đặc biệt là cạnh tranh lĩnh vực tài nguyên khoáng sản thiết yếu, đòi hỏi phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền, đối ngoại, tự chủ chiến lược của đất nước.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ TN&MT đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế và ngày càng cho thấy hiệu quả tích cực, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ triển khai các cam kết quốc tế thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; tham gia tích cực, chủ động trong các diễn đàn toàn cầu như: COP27, COP28, G77, diễn đàn Liên hợp quốc về tài nguyên nước, tham gia các cơ chế quốc tế hợp tác đa phương để tranh thủ nguồn lực JEPT cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng; ký kết rất nhiều thỏa thuận song phương,…
Trong bối cảnh Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với với nhiều đối tác quốc tế, các vấn đề hợp tác chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường ứng phó BĐKH đã trở thành nội hàm chủ chốt. Bộ TN&MT ký rất nhiều thoả thuận với các nước liên quan như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,…
Bộ Ngoại giao đánh giá rất cao sự hợp tác tích cực của ngành TN&MT thời gian qua trong công tác phân giới cắm mốc với các quốc gia trên bộ. Bộ cũng đã hỗ trợ xác định vị trí, hướng đi của các đường biên giới để Chính phủ xây dựng những công trình biên giới, bảo vệ và dấu hiệu nhận biết đường biên giới và xác định vị trí đấu nối giao thông phục vụ cho việc mở cửa khẩu. Năm 2023, Bộ TN&MT đã cử hàng chục tổ chuyên gia trang bị kỹ thuật, máy móc cùng Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan xử lý vấn đề biên giới.
Lần đầu tiên Việt Nam đã xây dựng quy hoạch không gian biển, góp phần bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và vun đắp quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác quản lý tài nguyên nước sông Mê Kông.
Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao về nắm bắt và tham mưu Chính phủ bắt kịp xu thế, quy định, quy chế, công nghệ trong các lĩnh vực môi trường. Tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực thực hiện các cơ chế quốc tế và khu vực về biến đổi khí hậu, môi trường; nâng tầm ngoại giao khí hậu, ngoại giao môi trường để thể hiện vị trí mới của đất nước, không chỉ tham gia mà còn tạo lập luật chơi, quy định mới về TN&MT. Đồng thời, tích cực thu hút nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ cũng cần tiếp tục đóng vai trò chủ trì xác định lộ trình triển khai nội luật hóa, chuyển đổi công nghệ, nâng cao nhận thức để thực hiện các cam kết quốc tế COP26, COP28, các FTA thế hệ mới để vừa thực hiện các cam kết quốc tế vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam, bảo đảm độc lập tự chủ cũng như chủ quyền quốc gia. Đây là thách thức lớn.
Tiếp tục phối hợp trong quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng. Tăng cường các quy hoạch quốc gia, nhất là quy hoạch không gian biển.
Tăng cường sự tham gia thực chất hiệu quả tại các diễn đàn biển khu vực, quốc tế, tham gia định hình luật lệ và góp phần bảo vệ lập trường quan điểm về biển đảo cũng như hợp tác biển với các đối tác vì mục tiêu phát triển bền vững,…
Ngành TN&MT tiếp tục dành nhiều nguồn lực hơn để xây dựng năng lực cho cán bộ đối ngoại, cán bộ làm công tác hội nhập. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về TN&MT ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều vấn đề mới phức tạp nên lực lượng này cần phải được tăng cường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần xây dựng Chiến lược phát triển cán bộ đối ngoại trong các ngành, địa phương.
TQ.