Kim Đông: Mô hình Hợp tác xã làm trụ cột xóa nghèo bền vững

13/07/2025

TN&MTTrên dải ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình), có một vùng đất từng chỉ quen với sóng gió, nghèo khó. Thế nhưng, khi con người nơi đây biết đứng chung dưới mái hợp tác xã, biến sóng biển thành sinh kế, biến đất mặn thành mùa ngọt, Kim Đông đã chứng minh một điều: xoá đói giảm nghèo không chỉ bằng hỗ trợ mà phải bằng tổ chức lại sản xuất và trao cơ hội để người dân làm chủ đồng vốn, đồng đất, đồng sức lao động.

Bình minh bên đầm nuôi

Trời vừa hửng sáng, mặt biển Kim Đông loang loáng ánh bạc. Tôi theo chân anh Phạm Văn Vững - người đàn ông dáng đậm, rám nắng, đôi tay thô ráp bám chặt vào mái chèo nhỏ. Chiếc thuyền nan tròng trành đưa chúng tôi ra đầm hàu giống rộng hơn 2ha, nơi mỗi chùm hàu là cả gia tài của hàng chục hộ dân.

Hồi trước, cả nhà tôi làm tôm sú với cua xanh, con nước mặn đấy, nhưng cứ phập phù. Được mùa thì mất giá, mất mùa thì trắng tay. Nhiều khi nhìn ra biển, chỉ thấy gió mà không biết lấy gì nuôi con ăn học,” - anh Phạm Văn Vững nhớ lại, mắt không rời những chùm hàu lấp ló dưới mặt nước phía trước.

Hàu giống Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu năm 2023

Năm 2020, khi chính quyền xã Kim Trung (nay là Kim Đông) vận động bà con chuyển sang nuôi hàu giống theo hướng công nghiệp, anh Vững nằm trong số ít hộ dám làm trước. Được HTX hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, tập huấn phòng dịch bệnh, gia đình anh bắt đầu “dấn thân” vào mô hình mới.

“Ngày trước nuôi con tôm, mình đi vay nóng cũng sợ. Giờ làm hàu giống, HTX đứng ra bảo lãnh, tập huấn bài bản, đầu ra ổn định. Mỗi năm tôi bán hơn 10.000 chùm hàu, doanh thu hàng tỷ đồng, lãi ròng 1 tỷ, cao gấp 4-5 lần tôm cua quảng canh”, anh Vững cười, bàn tay dầm nước biển thoăn thoắt nâng lên những chùm hàu bám dày như quả nho.

Không chỉ gia đình anh Vững, cả xã Kim Đông giờ có tới 221 HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất chuyên về giống thủy sản, chiếm gần 50% diện tích nuôi. Nhờ đó, nhóm con giống mỗi năm đạt giá trị gần 53 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng giá trị ngành nuôi trồng. Nhưng đằng sau con số ấy là hàng trăm mái nhà không còn lo “bán lúa non”, “cắm sổ đỏ”, mà yên tâm đầu tư dài hạn cho con tôm, con hàu, con ngao.

Niềm vui bên những luống dưa vàng

Mùa dưa lê ngọt nơi đất mặn

Chia tay đầm hàu, chúng tôi ghé HTX nông sản hữu cơ Kim Sơn, cách biển chừng 3 km. Nơi đây, 5ha dưa lê đang vào vụ thu hoạch. Những quả dưa no tròn, thơm nhẹ vị cát biển, được bó thành từng lô chở thẳng lên xe tải về các siêu thị Hà Nội, Nam Định (cũ).

Ngồi ngay giữa ruộng dưa, bà Trần Thị Hạnh - 52 tuổi, thành viên HTX đang lom khom lựa những quả chín đều. Bà kể, trước kia bà chỉ trồng lạc, trồng ngô, bán cho thương lái, được mùa thì rớt giá, mất mùa thì bỏ hoang ruộng. “Từ ngày có HTX, chúng tôi làm có bài bản. HTX lo giống, lo đầu ra, ký hợp đồng bao tiêu. Giá ổn định 15 - 20 nghìn/kg, không lo mất giá nữa. Ruộng nhà tôi 5 sào, mỗi vụ thu hơn 2 tấn dưa, lời gấp mấy lần trồng lạc”, bà Hạnh nói, đôi tay vẫn thoăn thoắt lau đất dính trên cuống dưa.

Anh Nguyễn Văn Lợi - Chủ nhiệm HTX bổ sung: “Chúng tôi đã áp dụng VietGAP, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, đưa kỹ sư về tập huấn cho bà con. Giờ nhiều hộ còn mạnh dạn làm thêm dưa lưới, cà chua, bí xanh để đa dạng sản phẩm”.

Những chuyến xe chở dưa cứ thế rời cánh đồng. Đằng sau mỗi quả dưa lên kệ siêu thị là công sức của cả một chuỗi sản xuất từ vùng trồng, quy trình kỹ thuật, kiểm soát chất lượng đến hợp đồng tiêu thụ. Mùa dưa lê của Kim Đông cứ thế đi xa hơn, mang theo vị ngọt mới của đất mặn.

Mật ong sú vẹt, giọt vàng của rừng ngập mặn

Rời cánh đồng, chúng tôi băng qua con đường nhỏ dẫn vào rừng ngập mặn, nơi HTX ong mật 27/7 đặt hàng nghìn thùng ong sát bìa rừng sú, vẹt, bần chua. Tiếng ong vỗ cánh rì rào như một khúc nhạc lạ của vùng biển. Ông Bùi Văn Tích - Tổ trưởng HTX ong mật 27/7 chậm rãi đặt tay lên một thùng ong: “Nhờ rừng ngập mặn còn nguyên vẹn, phấn hoa quanh năm nên ong khỏe, mật sạch, thơm đặc trưng. Mỗi năm chúng tôi thu trên 10.000 lít mật, hai sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh”.

Ông Tích hồ hởi chỉ tay về mấy chai mật được dán nhãn chỉnh chu: “Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ thiết kế bao bì, hoàn thiện hồ sơ OCOP, đem đi hội chợ toàn quốc. Có thương hiệu rồi thì mới bán được giá tốt, chứ mật ngon mà không ai biết thì cũng vẫn thiệt”.

Hiện HTX có 16 hộ thành viên, doanh thu mỗi hộ ước đạt 100-150 triệu đồng/năm. Đáng quý hơn, nghề nuôi ong không cần sức lao động nặng, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động lớn tuổi và phụ nữ. Khi ong hút mật, những mái nhà ven rừng cũng thêm cơ hội “ngọt mật” theo.

Nghề nuôi ong lấy mật ở rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn đang cho thấy rõ hiệu quả và ý nghĩa lớn: không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái ven biển của tỉnh. Với những giá trị đặc trưng của mình, sản phẩm mật ong hoa sú vẹt đã được đánh giá phân hạng OCOP 3 sao.

Mạng lưới hợp tác xã là trụ cột sinh kế

Giữa vùng đất nhiều gió mặn này, hình hài một mạng lưới hợp tác xã (HTX) bền chặt đang dần thay thế những chuỗi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ngày nào. Không còn những hộ cá thể loay hoay tự trồng, tự nuôi, tự bán rồi tự gánh rủi ro, giờ đây, mỗi HTX, tổ hợp tác như một mắt xích quan trọng gắn người dân vào một hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại - liên kết, chia sẻ rủi ro, cùng hưởng lợi nhuận.

Là một trong những vùng nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh với các sản phẩm chủ lực như tôm, cua, ngao, hàu

Chính quyền Kim Đông không xem HTX chỉ là cái tên để “đạt chuẩn” nông thôn mới mà xác định đây là trụ cột cho mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhiều năm liền, xã kiên trì quy hoạch vùng nuôi trồng, ban hành cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cấp đất cho các tổ hợp tác mở rộng sản xuất. Mỗi HTX hoạt động hiệu quả đều trở thành “điểm tựa” cho hàng chục, hàng trăm hộ nông dân.

Theo nhận định của đại diện Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình khẳng định: “Kim Đông là ví dụ tiêu biểu cho mô hình HTX vùng ven biển. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ vốn, mà còn giúp người dân đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, đưa cán bộ xuống tận ruộng, tận đầm để hướng dẫn làm VietGAP, làm OCOP. HTX mạnh thì nông dân mới mạnh. Sinh kế mới không chỉ dừng ở con tôm, con hàu, mà phải gắn được với thị trường, với chuỗi giá trị”.

Thực tế đã cho thấy, Kim Đông đang triển khai nhiều “chân rết” mở rộng từ HTX. Bên cạnh các HTX giống thủy sản, nông sản hữu cơ, ong mật, xã còn phát triển thêm các nhóm nghề tiểu thủ công, dịch vụ hậu cần nghề cá, tổ hợp chế biến gỗ, cung ứng vật tư nông nghiệp. Hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ kết hợp với mạng lưới HTX đang tạo ra hệ sinh thái kinh tế nông thôn đa dạng.

Không chỉ dừng ở sản xuất, HTX còn là nơi bà con được “trao tay” những kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, tiếp thị, đàm phán ký kết bao tiêu. Đây cũng là nơi người già, phụ nữ lớn tuổi vẫn có thể tìm được việc làm phù hợp: thu gom giống hàu, sơ chế mật ong, đóng gói nông sản. Mỗi HTX vì vậy không chỉ là “máy cái” sản xuất, mà còn là “máy ấp” cơ hội cho lao động địa phương.

Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã xác định mục tiêu dài hơi: không để mô hình HTX dừng ở quy mô cấp xã mà phải kết nối liên xã, hình thành các cụm sản xuất lớn, có vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, logistic, thương hiệu và thị trường tiêu thụ bền vững. Từ đó, mỗi người dân Kim Đông không còn chỉ bán sức lao động, mà còn là chủ một phần giá trị sản phẩm.

Nhờ HTX làm hạt nhân, thu nhập bình quân đầu người ở Kim Đông đã đạt 67 triệu đồng/năm, con số biết nói cho thấy hiệu quả không chỉ là thành tích báo cáo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,14% không chỉ nhờ trợ cấp mà là nhờ việc làm thực chất, thu nhập đều đặn.

Trên vùng đất đầy sóng và gió này, mạng lưới HTX đã trở thành trụ cột sinh kế, một “chiếc phao” neo giữ người dân ở lại làng, giữ lại những thanh niên từng mơ rời quê để mưu sinh nơi khác. Và điều quan trọng nhất chính từ những mái HTX này, giấc mơ về một vùng nông thôn ven biển giàu mạnh đang không còn xa vời.

Từ con sóng ra đồng bằng

Khi chiều muộn buông xuống rặng sú, vẹt ngoài bìa rừng ngập mặn, tôi đứng bên mép đầm nhìn sóng vỗ lăn tăn, nghe câu chuyện ông Bùi Văn Tích, người hơn nửa đời gắn bó với đàn ong, chầm chậm nhắc lại: Sóng biển còn dữ hơn con nghèo, nhưng cũng chính sóng biển nuôi sống ta, nếu ta biết cách. Mấy chục năm trước, vùng này người ta đi biển bắt cá, tôm, đánh đổi sinh kế bằng mạng sống. Giờ thì sóng vẫn đấy, nhưng bà con không chỉ ra biển mà biết mang sóng về nuôi hàu, nuôi ngao, chắt lọc mật ong rừng ngập mặn, trồng dưa lê trên đất mặn... Ai cũng thấy, sóng dữ mà lòng người bền thì nghèo cũng phải lùi bước.”

Từ những chùm hàu ken dày dưới cầu tre, những ruộng dưa lê thơm ngọt, những chai mật ong vàng sánh - Kim Đông đang viết lại câu chuyện xóa đói giảm nghèo của riêng mình. Những mái nhà nhỏ không còn trông chờ vào con nước rủi may, không còn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời rồi phó mặc cho thương lái ép giá.

Hôm nay, Kim Đông đang nghĩ xa hơn con hàu, con ngao hay quả dưa. Chính quyền xã tính chuyện quy hoạch lại toàn bộ vùng nuôi trồng theo chuẩn VietGAP, mở rộng thêm các mô hình canh tác hữu cơ, phát triển du lịch trải nghiệm sinh thái rừng ngập mặn. Những buổi tập huấn không chỉ có nông dân mà còn có thế hệ trẻ, con em ngư dân nay đã đi học đại học, về làng góp sức xây dựng thương hiệu, làm thương mại điện tử, đưa sản vật quê nhà đi xa.

Bên ly trà nóng, lắng nghe những chia sẻ của lãnh đạo và người dân xã Kim Đông: Chúng tôi luôn nhắc nhau, phát triển HTX không phải phong trào để báo cáo, mà phải là chỗ dựa sinh kế cho dân. Sóng biển không đổi hướng, nhưng người thì biết cách thích ứng, tổ chức lại. Mình có mạng lưới HTX tốt, có liên minh đồng hành, có người dân đồng lòng thì không chỉ con sóng, mà bão lớn cũng vượt qua được”.

Những con số như hộ nghèo còn 1,14%, 50% xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu không còn là những “dòng báo cáo” khô khốc. Chúng hiện hữu trên những con đường làng đã bê tông hóa, trong tiếng cười giòn khi mùa thu hoạch đến sớm, trong những lớp học có tiếng trẻ ê a bên những vạt cỏ ven đầm.

Từ những con sóng bạc đầu nơi cửa biển, Kim Đông đã làm nên những mùa vàng. Từ một vùng ven biển nghèo, nay trở thành hình mẫu để nhiều địa phương khác học hỏi về một hướng đi: lấy HTX làm hạt nhân, người dân làm chủ, biến lợi thế tự nhiên thành động lực bền vững.

Sóng biển vẫn còn đó, gió mặn vẫn còn đó. Nhưng sóng biển nay đã thôi xô đẩy người dân ra khơi mưu sinh trong khắc nghiệt. Sóng nay hóa thành mạch nguồn, nuôi lớn những ước mơ mới từ chính những bàn tay đã dám thay đổi để không còn ai phải nghèo mãi.

Rời xã Kim Đông khi mặt biển đã sẫm lại, tôi ngoái nhìn những chùm hàu đung đưa dưới chân cầu tre, những luống dưa còn đọng ánh đèn pin của vài người nông dân gom chuyến muộn và nghe trong gió rì rầm như tiếng sóng chuyện trò. Sóng biển ở đây vẫn mặn, gió vẫn gắt, nhưng điều khiến vùng đất này trụ vững không chỉ là sự ưu đãi của thiên nhiên mà là tinh thần không chịu nghèo bền vững của chính người dân.

Giữa vô vàn chính sách, mô hình, con số, thứ còn lại bền nhất chính là niềm tin: tin rằng một mái nhà HTX nếu được dựng đúng, dựng chắc, sẽ là chỗ dựa để người dân ven biển này vững vàng bước tiếp, ngay cả khi biển vẫn dạt dào sóng bạc đầu. Và tôi tin, những câu chuyện từ Kim Đông hôm nay sẽ còn lan xa, để rồi nhiều làng quê khác, cũng sẽ biết cách biến con sóng thành mùa vàng, biến đất mặn thành lối thoát nghèo, để rồi chẳng còn ai phải ngại gió biển, ngại đất xấu, chỉ sợ mình không dám đổi thay.

Diệp Anh

 

Gửi Bình Luận

code

Tin liên quan

Tin tức

Đồng chí Phùng Đức Tiến nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lập mốc 33,84 tỷ USD

Triển lãm thành tựu đất nước và kỷ niệm 80 năm ngành NN-MT: Trang trọng, lan tỏa, tạo dấu ấn sâu sắc

Việt Nam là đối tác tiên phong trong nền tảng NPAP chống ô nhiễm nhựa

Nông nghiệp

Kim Đông: Mô hình Hợp tác xã làm trụ cột xóa nghèo bền vững

Bài 1: Thắp lửa vươn lên - Xóa dấu chân đói nghèo

Quảng Trị: Kết nối giao thương các mặt hàng nông sản, tìm kiếm thị trường và trưng bày các sản phẩm OCOP

Người mang lại giá trị sản phẩm chè Tân Cương, Thái Nguyên

Tài nguyên

Quảng Ninh: Chủ động quản lý khoáng sản, hướng tới phát triển bền vững

Điều kiện cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Khát vọng quốc gia biển

Quản lý tài nguyên khoáng sản tại Hà Tĩnh: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ từ thực tiễn, chính sách

Môi trường

Giảm phát thải POP và thủy ngân: Việt Nam triển khai dự án quản lý vòng đời sản phẩm và tiêu dùng xanh

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Tận tâm chữa bệnh, trách nhiệm với môi trường

Kiểm lâm Sơn Động: Chủ động ứng phó, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Việt Nam tham vấn chiến lược cho Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Video

Giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn

Nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học trên Tạp chí in Tài nguyên và Môi trường

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Khoa học

Hội thảo Tăng cường huy động khu vực tư nhân trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Văn Chiều: Hun đúc bản lĩnh chính trị - Thắp lửa nghiên cứu - Kiến tạo thế hệ trí thức mới cùng tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW

Tạo nguyên liệu, nhiên liệu từ rác thải tại chợ Dĩnh Kế, phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh

Nghiên cứu cơ bản làm nền tảng khoa học vững chắc cho phòng chống thiên tai

Chính sách

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp

Kiện toàn chức năng thanh tra ngành nông nghiệp và môi trường

Tiêu chí xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

Quy định về việc lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn

Phát triển

Hội nghị tập huấn triển khai 4 nội dung trọng tâm trong chuyển đổi số

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trao Bằng khen cho YeaH1 vì đóng góp phát triển du lịch qua chương trình “Gia đình Haha”

Quảng Trị: Làm việc cùng các nhà đầu tư - động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới

Đắk Lắk: Du lịch biển rừng, hội tụ giao thoa hướng tới phát triển kinh tế sau sát nhập

Diễn đàn

Bắc Ninh thành lập Quỹ Đầu tư Phát triển: Bước đi chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Thời tiết ngày 12/7: Phía Đông Bắc Bộ, Tây Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An cục bộ mưa to

Thời tiết ngày 11/7: Bắc Bộ và Thanh Hóa có nơi mưa rất to

Thời tiết ngày 10/7: Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa rào và dông, cục bộ mưa rất to