
PGS.TS Huỳnh Quyền (Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh): Đào tạo nhân lực, kiến tạo tương lai Xanh
27/01/2025TN&MTPGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh luôn xác định mục tiêu nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhân lực và cải thiện bộ máy tổ chức hiện có để phù hợp với nhu cầu mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm theo chiến lược phát triển của Nhà trường. Vậy trong nấc thang thời gian của hành trình ấy, năm 2024 Nhà trường đã đạt được những kết quả gì? PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ với phóng viên một số thông tin sau đây:
PV: Năm 2024 đã khép lại, nhìn lại hành trình đã đi qua, xin ông cho biết Nhà trường đã đạt được những kết quả gì trong công tác giáo dục đào tạo?
PGS.TS Huỳnh Quyền: Năm 2024, có thể nói là năm mà Nhà trường có kết quả đột phá trong công tác nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ Giảng viên của Nhà trường. Có 07 Cán bộ giảng viên hoàn thành chương trình đào tạo Trình độ Tiến Sỹ, nâng tổng số cán bộ giảng viên có trình độ tiến sỹ của Nhà trường lên 61 cán bộ, đạt tỷ lệ 27,8% giảng viên có trình độ tiến sỹ trên tổng số giảng viên của Nhà trường, vượt chỉ tiêu về cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sỹ cho cơ sở Giáo dục đại học không đào tạo Tiến sỹ theo Thông tư 01 của Bộ Giáo dục đào tạo về tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục đại học.
Năm 2024, Nhà trường đã thành lập được Hội đồng Giáo sư cấp cơ sở theo quy định của Hội đồng giáo sư Nhà nước, đã tổ chức thành công Hội đồng xét chức danh GS, PGS cấp cơ sở và 01 ứng cử viên Phó Giáo sư của Nhà trường được Hội đồng GS, PGS cấp nhà nước công nhận đạt chuẩn PGS và Nhà trường đã thực hiện Bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư, nâng tổng số cán bộ PGS, GS của Nhà trường lên 10 người trong đó có 09 Phó giáo sư và 01 Giáo sư.
Năm 2024 cũng là năm Nhà trường đã thực hiện thành công đề án tinh gọn bộ máy tổ chức, theo thực hiện sát nhập 02 khoa (Khoa Quản lý Tài nguyên biển và Hải đảo vào Khoa Môi trường thành bộ môn thuộc Khoa Môi trường; Khoa Tài nguyên nước vào Khoa Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu trở thành Khoa Khí tượng, Thủy văn và Tài nguyên nước), tách bộ phận Hành chính của Phòng Hành chính - Quản trị vào Phòng Tổ chức cán bộ đổi tên thành Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Hành chính - Quản trị đổi tên thành Phòng Quản trị cơ sở vật chất và thành lập 01 Phòng mới (Phòng Thanh tra - Pháp chế) hướng tới sự kiện toàn và hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý.
Trong năm 2024, Trường đã tiến hành Bổ nhiệm mới: 05 nhân sự (02 Giám đốc, 01 Viện trưởng, 01 Phó Trưởng khoa, 01 Phó Trưởng phòng); Bổ nhiệm lại: 05 (01 Trưởng Phòng, 01 Trưởng khoa, 01 Phó Giám đốc, 03 Trưởng bộ môn); Điều động bổ nhiệm: 02 Phó Trưởng phòng.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh luôn xác định mục tiêu nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhân lực và cải thiện bộ máy tổ chức hiện có để phù hợp với nhu cầu mới là một trong những nhiệm vụ trong tâm theo chiến lược phát triển của Nhà trường.
Năm 2024, nhà trường ghi nhận được những kết quả lớn trong công tác đào tạo, theo đó đã thành công trong công tác di dời cơ sở đào tạo từ 91 Nguyễn Chí Thanh sang địa điểm mới, kịp thời ổn định và triển khai đúng kế hoạch đào tạo của Nhà trường; Phần mềm quản lí đào tạo bắt đầu đưa vào hoạt động và đã phát huy được tính ưu việt trong công tác triển khai kế hoạch đào tạo, phân công giờ giảng, kê khai giờ giảng, quản lý chương trình đào tạo và đặt biệt là công tác xét học vụ cho sinh viên. Bên cạnh đó, phần mềm cũng bắt đầu hỗ trợ tốt trong các hoạt động quản lí sinh viên, vấn đề học phí.
Tiếp tục với những kết quả đạt được từ các năm trước, năm 2024 Nhà trường đã tổ chức thành công 3 đợt Khai giảng cho sinh viên chính quy; vừa làm vừa học và sau đại học, 3 đợt Trao bằng tốt nghiệp cử nhân và kỹ sư cho 781 sinh viên hệ chính quy, 245 sinh viên hệ VLVH, 172 Thạc sĩ. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức tốt các hoạt động đón tiếp dành cho tân sinh viên của Nhà trường. Hoạt động này nhằm giúp các em tân sinh viên có động lực, quyết tâm và hiểu được nhiệm vụ của bản thân trong quá trình học tập hơn 4 năm tại trường, đồng thời thông qua lễ tốt nghiệp, những Tân cử nhân, Kỹ sư, Thạc sỹ của trường khẳng định được vị thế của mình trước xã hội là những cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ của trường đại học tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh đã sẵn sàng tham gia vào nguồn nhân lực, phát triển kinh tế của xã hội của đất nước trong thời đại mới.
PV: Được đánh giá là một trong những trường đại học có phong trào nghiên cứu khoa học rất mạnh, nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn - tính ứng dụng cao. Xin ông xác nhận và chia sẻ thông tin này đến bạn đọc cũng như các em học sinh có khát vọng/đam mê nghiên cứu khoa học được biết?
PGS.TS Huỳnh Quyền:
Năm 2024, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp thực hiện 01 đề tài cấp Quốc gia, 02 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp Tỉnh, 15 đề tài cấp Trường, 01 dự án Sự nghiệp môi trường, trong đó có nhiều đề tài được chuyển giao áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, trong năm 2024, công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã đạt được những kết quả đáng chú ý và đột phá. Các nhà khoa học của Trường đã công bố hơn 400 bài báo khoa học trong nước và Quốc tế, đặc biệt là 49 công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus. Kết quả này đóng góp vào nâng cao tổng số công bố khoa học của Nhà trường giai đoạn 2019-2024 lên hơn 1700 bài, trong đó gần 300 công bố trên các tạp chí danh tiếng, thuộc danh mục Nature Index hoặc có chỉ số ảnh hưởng(Impact factor) cao, xếp hạng TOP trong lĩnh vực chuyên ngành. Tiêu biểu như các công bố trên các tạp chí: Inorganic Chemistry (Nature Index), Coordination Chemistry Reviews (IF = 20.3), International Journal of Hydrogen Energy (IF = 8.1),…
Cũng trong năm 2024, Theo quyết định số : 590/QĐ-UBND Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 24/2/2024, Hiệu trưởng Nhà trường vinh dự được 17 trường đại học bầu làm phó chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng Khối Ngành Khoa học và Sự sống, thuộc Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này cũng thể hiện được vai trò và vị trí của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, tham mưu trong các vấn đề về Khoa học sự sống và môi trường cho hoạt động phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2024, Nhà trường đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học, tiêu biểu là Hội thảo “Thực trạng rác thải rắn tại TP. Hồ Chí Minh, các giải pháp quản lý và xử lý theo hướng phát triển bền vững” và Hội thảo “Thực trạng vấn đề sụt lún và ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế bền vững tại TP. Hồ Chí Minh” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý và xã hội.
Năm 2024, tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Giám hiệu về việc phát triển các chương trình hợp tác song phương để trao đổi giảng viên, sinh viên và nghiên cứu khoa học, hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường đã có những khởi sắc theo hướng chủ động tiếp cận đối tác, tận dụng cơ hội để phát triển tiềm năng của Trường, qua đó nâng cao năng lực và trình độ khoa học của các đơn vị trực thuộc Trường và các cán bộ, giảng viên. Cụ thể trong năm nay, Trường đã thực hiện ký kết 10 thoả thuận hợp tác với các đối tác trong nước và 04 thoả thuận hợp tác với các đối tác quốc tế.
Năm 2024, Nhà trường cũng tổ chức thành công “Ngày Hội việc làm và Triển lãm doanh nghiệp thường niên” đây là cơ hội để đội ngũ cán bộ giảng viên Nhà trường tiếp cận với những tiến bộ về khoa học công nghệ, mô hình kinh doanh mà các doanh nghiệp đang sử dụng, đặc biệt là sinh viên nhà trường được hướng nghiệp, tiếp nhận những thông tin bổ ích về: cơ hội nghề nghiệp, quy trình, điều kiện tuyển dụng, văn hóa doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm từ cựu sinh viên; các mô hình và công nghệ, sản phẩm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường,.... Từ đó, giúp sinh viên có được sự định hướng, chuẩn bị cần thiết về nghề nghiệp trước khi tham gia thị trường lao động.
PV: Vậy còn các hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục tại Nhà Trường năm nay tiếp tục được thực hiện như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Huỳnh Quyền: Tính riêng trong năm 2024, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh đã chính thức đón nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng 03 CTĐT đại học, bao gồm: ngành Thủy văn học, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Kỹ thuật cấp thoát nước do Trung tâm Kiểm định chất lượng - Trường Đại học Vinh cấp, nâng tổng số lên 10 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng. Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà trường, từng bước hội nhập với các tiêu chuẩn khu vực trong xây dựng, phát triển, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, khẳng định với cộng đồng xã hội trong nước về những cam kết của Nhà trường trong việc không ngừng nâng cao chất lượng trên mọi mặt.
Kết quả này vừa là vinh dự, là niềm tự hào và động lực đối với tập thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường, là cơ sở để Nhà trường tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện sứ mạng và tầm nhìn theo chiến lược đặt ra và phù hợp với xu thế phát triển chung về đào tạo và đặt biệt trong quá trong quá trình hội nhập. Hiện nay, nhà trường đã và đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng kế hoạch để thực hiện các chương trình trong nước và quốc tế.
PV: Được biết, Nhà trường đang hướng đến mô hình tự chủ vào năm 2030, để chuẩn bị cho chiến lược này, Nhà trường đã có những rà soát và kết quả thực hiện chiến lược phát triển Trường đến năm 2024 trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2035 đến nay như thế nào thưa ông?
PGS.TS Huỳnh Quyền: Hội nghị đã báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu chiến lược trường từ năm 2021 đến năm 2024 của giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu của Trường đều đạt yêu cầu theo tiến độ và đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học như chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo, đánh giá ngoài chương trình đào tạo, công tác sinh viên, cơ sở vật chất và tài chính. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt được vượt KPI đề ra như số lượng bài báo công bố trong nước và quốc tế. Tỉ lệ cán bộ có học hàm học vị từ tiến sĩ trở lên trên tổng số lượng giảng viên tăng so chỉ tiêu. Hội nghị cũng đánh giá và phân tích nguyên nhân của một số khó khăn và chỉ tiêu chưa đạt được. Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến đóng góp, phân tích để rà soát lại các chỉ tiêu, KPI cho từng mảng chiến lược, đặc biệt các nhiệm vụ được đưa ra để nhà trường triển khai theo chủ trường tự chủ đại học vào năm 2025. Các giải pháp đề ra tập trung vào phát triển nguồn lực, tăng cường chỉ tiêu tuyển sinh, mở rộng hình thức, ngành nghề đào tạo, phát triển các mô hình hợp tác trong nước và quốc tế. Hội nghị tổng kết được các vấn đề gặp phải và đề ra được giải pháp cho kế hoạch hành động tiếp theo nhằm hướng đến tự chủ đại học.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Huỳnh Quyền!
Diệp Anh (thực hiện)
Bài đã đăng Tạp chí TN&MT số Xuân 2025