
Phổ biến Luật Đất đai 2024 tại Thanh Hóa - Bài 1: Luật Đất đai đi vào thực tiễn
29/03/2024TN&MTTrong công tác quản lý, sử dụng đất, tỉnh Thanh Hóa hướng tới sẽ phổ biến tuyên truyền Luật Đất đai năm 2024 một cách sâu rộng, đồng bộ, nhanh nhất. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa với nội dung như sau:
PV: Thưa ông, Luật Đất đai năm 2013 khi được triển khai, áp dụng đã phát huy được những hiệu quả gì trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?
Ông Nguyễn Khánh Toàn:
Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 được áp dụng, thi hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn; công tác giao đất, thu hồi đất, nhất là đối với dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; tình trạng dự án treo, chậm tiến độ cơ bản được khắc phục; quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch được đảm bảo; việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai ngày càng được tăng cường, phát huy dân chủ; bộ máy quản lý từng bước được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa
Công tác quản lý đất đai nói chung, việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 nói riêng đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các mặt: Đã tập trung tổ chức tuyên truyền hiệu quả pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức khác nhau, đưa Luật Đất đai vào thực tiễn cuộc sống.
Ngoài ra, Thanh Hóa tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện; đặc biệt là việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Quan tâm và chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; đã tập trung quyết liệt để xây dựng và công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đã được tập trung chấn chỉnh và xử lý vi phạm; công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện theo đúng quy định, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; công tác bồi thường GPMB các dự án có sử dụng đất được thực hiện đảm bảo quy định; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp và khiếu kiện đông người; công tác cải cách thủ tục hành chính đã được chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
PV: Bên cạnh một số kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình triển khai, địa phương đã gặp phải những khó khăn vướng mắc gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Khánh Toàn:
Thực tế, công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính tuy đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở bản đồ địa chính, trích đo địa chính có toạ độ còn đạt thấp. Kết quả đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận chưa kịp thời đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý, vận hành và khai thác sử dụng.
Một góc thành phố Thanh Hóa
Nguyên nhân một phần là do kinh phí đầu tư của địa phương và hỗ trợ của Trung ương cho thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận trong những năm qua còn hạn chế so với nhu cầu do nguồn thu từ đất giảm mạnh trong những năm qua và ngân sách Trung ương gặp nhiều khó khăn; Việc đo đạc lập bản đồ địa chính còn chậm, nhiều địa phương chưa có bản đồ địa chính nhất.
Nhiều năm qua, một số địa phương trong tỉnh, sau khi cấp giấy chứng nhận đã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, dẫn đến thay đổi cơ bản so với các giấy chứng nhận đã cấp; do đó, phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý lại bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận cho người dân trong những năm tới để đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Việc triển khai công tác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai năm 2013: thời gian thực hiện việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn kéo dài, chưa đáp ứng kịp yêu cầu về tiến độ để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc áp dụng các phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, đội ngũ tư vấn định giá đất chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của công tác định giá.
PV: Luật Đất đai 2024, được triển khai vào thực tiễn trong năm nay, với địa phương Thanh Hóa, ông có kỳ vọng gì và tiên lượng về những tác động tích cực tới tỉnh Thanh Hóa? Công tác phổ biến Luật sẽ được địa phương triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Khánh Toàn:
Theo tôi, Luật Đất đai 2024 đã bám sát tinh thần Nghị quyết 18, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013; Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013; “Tôi tin tưởng rằng Luật Đất đai 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ vướng mắc ở địa phương”.
Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, những việc mà tổ chức và người dân mong chờ đã được quy định rõ ràng hơn, đơn giản hơn về trình tự, ví dụ: Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở, đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác; quy định rõ việc sử dụng đất đa mục đích và quản lý đất nông lâm trường quốc doanh (Thanh Hoá có diện tích đất nông lâm trường lớn, hiện khai thác, quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển tại địa phương); điểm mới nhất là cải cách hành chính, phân cấp về thẩm quyền trong thủ tục thu hồi, bồi thường. Do đó kỳ vọng sắp tới đây, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sẽ sớm ban hành, đồng thời quy định cụ thể, chi tiết các nội dung Luật, đặc biệt về tài chính đất đai để minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và để Luật đi vào cuộc sống.
ảnh minh họa
Để Luật Đất đai 2024 được hoàn thiện và đi vào cuộc sống, Sở TN&MT đã tích cực và phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện nghiên cứu, tham gia góp ý kiến cho Dự thảo các Nghị định thi hành Luật; trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, Sở đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện, các đơn vị chức năng trong tỉnh tăng cường phối hợp thực hiện tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai (Công văn số 1689/STNMT-PC ngày 28/02/2024); trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Báo Thanh Hóa tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng chương trình, chuyên mục về pháp luật đất đai để tuyên truyền, đưa tin, đặc biệt là các chính sách mới về đất đai (số 31/2024/QH15, có hiệu lực từ 01/01/2025). Đồng thời, Sở đã và đang tham mưu xây dựng Kế hoạch tuyên truyền Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt và quán triệt, triển khai sâu rộng, đồng bộ trên toàn tỉnh trong thời gian Quý I/2024.
PV: Xin trân trọng cảm ơn!
Hoàng Anh (thực hiện)