
Trao đổi về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
08/08/2023TN&MTQuy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong số những nội dung trọng tâm trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật đất đai, bài viết tập trung góp ý một số quy định của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) về nguyên tắc lập quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,…
Ảnh minh họa
Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng: Gộp nguyên tắc lập quy hoạch và nguyên tắc lập KHSDĐ thành một nhóm nguyên tắc chung. Trước đó, Luật Đất đai năm 2013 chia ra thành 2 nhóm gồm nguyên tắc lập QHSDĐ và nguyên tắc lập KHSDĐ; bổ sung nguyên tắc lập quy hoạch, theo hướng: QHSDĐ quốc gia, các quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành lĩnh vực có SDĐ phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển; đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh, bền vững; bảo đảm QP-AN, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng các loại đất gắn với không gian, phân vùng SDĐ, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất; bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định; phân bổ nguồn lực đảm bảo cân đối hài hòa quyền, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người SDĐ; đảm bảo sự cân đối nhu cầu SDĐ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ, phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.
Có thể thấy, các nguyên tắc được đưa ra trong Dự thảo đã thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, đó là quy hoạch, KHSDĐ được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và SDĐ đai. Đồng thời, khắc phục cơ bản hạn chế của Luật Đất đai năm 2013 là sự lặp lại của một số nguyên tắc trong lập quy hoạch và lập KHSDĐ. Ngoài ra, việc sắp xếp thứ tự các nguyên tắc cũng đảm bảo tính logic, khoa học hơn. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp, các nguyên tắc quy định tại các khoản 2, 6 và 7 Điều 60 Dự thảo đang có phần bị lặp lại, trùng lặp với nhau như: “Bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu SDĐ của các ngành, lĩnh vực, địa phương”; “SDĐ tiết kiệm, hiệu quả”. Do vậy, cần rà soát theo hướng viết gọn và tránh trùng lặp giữa các khoản.
Ngoài ra, về nội dung, tại khoản 1 Điều 60 Dự thảo có đề cập tới nguyên tắc: “QHSDĐ và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có SDĐ phải phù hợp với QHSDĐ quốc gia và QHSDĐ cùng cấp đã được phê duyệt”, nhưng Dự thảo lại chưa quy định hay giải thích thế nào là quy hoạch ngành, lĩnh vực có SDĐ. Các quy hoạch ngành, lĩnh vực có SDĐ gồm ngành nào, lĩnh vực nào, căn cứ, cơ sở pháp lý để phân định các ngành, lĩnh vực đó. Chính vì thế, cần có quy định cụ thể về vấn đề này để có sự phân biệt, nhận diện với các loại quy hoạch khác đã được giải thích trong Luật Quy hoạch hiện hành.
Về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Dự thảo sửa đổi quy định hệ thống QH, KHSDĐ là hệ thống đồng bộ, thống nhất được thiết lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (cấp huyện làm cụ thể tới cấp xã), QH, KHSDĐ quốc phòng, QH, KHSDĐ an ninh.
Chúng tôi nhận thấy, hướng sửa đổi của Dự thảo là phù hợp, bởi lẽ hiện nay theo Luật Đất đai năm 2013 thì hệ thống quy hoạch và kế hoạch được tách riêng và chưa có sự thống nhất. Thêm vào đó, việc sửa đổi, bổ sung “QH, KHSDĐ cấp tỉnh” thay cho thuật ngữ hiện hành “quy hoạch tỉnh” đã khắc phục được hạn chế của pháp luật hiện hành tạo nên sự phù hợp với các đơn vị hành chính ở nước ta hiện nay (đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ thành phố trực thuộc trung ương được hiểu là cấp tỉnh chứ không thể hiểu là tỉnh).
Về thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Dự thảo đã quy định rõ thời kì QHSDĐ “các cấp” là 10 năm. Đồng thời, bổ sung “tầm nhìn của QHSDĐ quốc phòng, tầm nhìn của QHSDĐ an ninh” và “tầm nhìn của QHSDĐ cấp tỉnh”.
Hướng bổ sung nêu trên của Dự thảo sẽ đảm bảo được tính thống nhất với quy định về hệ thống QH, KHSDĐ tại Điều 61 Dự thảo này. Đặc biệt, đã có sự “giao thoa” về mặt thời gian trong định hướng tầm nhìn của QHSDĐ quốc gia (30 - 50 năm) với QHSDĐ cấp tỉnh, cấp huyện (20 - 30 năm).
Tuy nhiên, một vấn đề còn đặt ra trong Dự thảo là định hướng tầm nhìn không rõ ràng về mặt thời gian. Cụ thể, quy định “tầm nhìn của QHSDĐ cấp tỉnh; QHSDĐ cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm”. Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu mỗi tỉnh, mỗi huyện xây dựng tầm nhìn với những khoảng thời gian khác nhau thì hệ thống quy hoạch của Việt Nam không thể đảm bảo tính thống nhất. Có địa phương xây dựng tầm nhìn 20 năm, có địa phương 25 năm; có địa phương là 30 năm,… Sự chênh lệch hay không thống nhất về mặt thời gian sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch. Do vậy, cần quy định thời gian cụ thể là 30 năm đối với tầm nhìn của QHSDĐ cấp tỉnh; QHSDĐ cấp huyện.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh
Về căn cứ, Dự thảo đã chỉ rõ căn cứ lập QHSDĐ quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; QHSDĐ QP-AN. Như vậy, Dự thảo đã hủy bỏ cách quy định dẫn chiếu sang Điều 20 về căn cứ lập quy hoạch của Luật quy hoạch năm 2017. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tính thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật.
Về nội dung, Dự thảo đã làm rõ hơn nội dung QHSDĐ ở cả cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; đổi mới nội dung QHSDĐ theo các khu vực: Khu vực SDĐ cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn giữ nguyên cách xây dựng căn cứ lập quy hoạch của mỗi cấp ở từng điều luật riêng như Luật Đất đai năm 2013. Điều này dẫn đến tình trạng quy định lặp đi lặp lại nhiều lần. Do vậy, chúng tôi đề xuất với cách thức là từ những điểm chung về căn cứ lập quy hoạch của các cấp thì Dự thảo nên khái quát lại và xây dựng thành một điều luật về căn cứ lập QHSDĐ.
Ngoài ra, đối với quy định về căn cứ lập QHSDĐ cấp tỉnh tại khoản 1 Điều 64 Dự thảo, đề nghị bổ sung căn cứ “khả năng SDĐ” của cấp tỉnh. Bởi lẽ, nếu căn cứ lập QHSDĐ cấp tỉnh chỉ dựa vào nhu cầu SDĐ thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng QHSDĐ kém hiệu quả, không khả thi, quy hoạch treo tồn tại gây lãng phí nguồn tài nguyên đất do các địa phương thường mong muốn có được quỹ đất phi nông nghiệp nhiều hơn trong khi các nguồn lực để thực hiện (tài chính, nhân lực,…) chưa đảm bảo.
Tên Điều 66 của Dự thảo “QH, KHSDĐ quốc phòng, QH, KHSDĐ an ninh” đổi thành “QH, KHSDĐ quốc phòng, đất an ninh”, để tạo nên sự thống nhất về cách sử dụng thuật ngữ giữa tên điều luật với nội dung của điều luật.
Quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
Tại khoản 2 Điều 71 Dự thảo quy định 7 căn cứ điều chỉnh QHSDĐ. Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần đặt ra như sau:
Một là, việc điều chỉnh QHSDĐ được thực hiện khi nào, khi có đầy đủ 7 căn cứ đó hay chỉ cần 1 trong 7 căn cứ. Vì vậy, chúng tôi đề xuất quy định rõ khoản 2 Điều 71 Dự thảo như sau:
“2. Căn cứ điều chỉnh QHSDĐ
Việc điều chỉnh QHSDĐ được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:…”.
Hai là, trong 7 căn cứ nêu tại khoản 2 Điều 71 Dự thảo thì căn cứ quy định tại điểm e “Do sự phát triển của KHCN làm thay đổi cơ bản việc thực hiện QHSDĐ” chưa rõ ràng, khó xác định như thế nào, mức độ nào được coi là “thay đổi cơ bản” để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch trước sự phát triển nhanh, mạnh của KHCN như hiện nay. Do vậy, cần có sự nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp.
TS. KHÚC THỊ PHƯƠNG NHUNG
Đại học Kiểm sát Hà Nội
Trích: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 13 (Kỳ 1 tháng 7) năm 2023