
Triển vọng từ giống đậu đũa ngồi chịu nhiệt
16/07/2025TN&MTTrong sản xuất nông nghiệp, yếu tố giống quyết định tới 30 - 40% sự thành bại của cả chuỗi sản xuất. Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ (Viện Cây Lương thực và Thực phẩm) đã lai tạo, phát triển nhiều giống mới, trong đó có giống đậu đũa ngồi chịu nhiệt ĐRV18.
Giống đậu đũa ngồi chịu nhiệt ĐRV18 được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ chọn lọc từ giống đậu rau ĐR1 nhập nội từ Cu Ba. Đây là kết quả sản phẩm nghiên cứu của nhiệm vụ Nghị định thư về Hợp tác nghiên cứu và phát triển một số cây đậu đỗ, trong đó đậu đen (Vigna unguiculata L.) Walp, đậu cove (Phaseolus vulgaris L.) và lạc (Arachis hypogaea L.) tại Việt Nam và Cuba”, từ năm 2022 - 2025.
Kiểm tra quá trình sinh trưởng phát triển của giống đậu đũa ngồi chịu nhiệt ĐRV18
Theo TS. Nguyễn Ngọc Quất, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ thì giống đậu này có nhiều ưu điểm như: Có thời gian từ mọc đến thu hoạch quả lần 1 từ 55 - 60 ngày, thời vụ gieo trồng của giống rất rộng, từ vụ xuân đến vụ thu đông nên có thể trồng từ tháng 2 tới tháng 9. Trong khi đó, môt số giống đậu khác như đậu cove, đậu đũa chỉ trồng được ở vụ đông và xuân sớm, nếu muộn hơn khi gặp điều kiện nắng nóng sẽ không ra hoa, thụ phấn, đậu quả.
Trong canh tác cây rau màu, yếu tố thời tiết và sâu, bệnh hại ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất. Giống đậu đũa ngồi chịu nhiệt này có nhiều ưu điểm như: Nhiễm nhẹ bệnh đốm nâu, bệnh phấn trắng và chịu hạn tốt ở nhiều ngưỡng nhiệt độ. Bên cạnh đó giống đậu này có hàm lượng tinh bột cao hơn một số giống đậu khác, hàm lượng Vitamin C cũng ở mức cao,16,7 mg/100 g, protein: 4,9%, chất xơ: 2,0%, đường tổng số: 9,4%, năng suất quả tươi đạt từ 22,5 - 24,8 tấn/ha, vỏ quả màu xanh nhạt, mềm có vị ngọt, ít xơ, thịt quả dày…
Để đánh giá tính thích nghi với điều kiện thời tiết và tính hiệu quả của giống đậu này, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ đã trồng thử nghiệm ĐRV18 ở một số địa phương như tỉnh Bình Định (cũ), Nghệ An, Ninh Bình… Trong đó, riêng tỉnh Ninh Bình diện tích trồng trong vụ xuân 2025 trên hơn 20 ha, đã được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá rất cao về mô hình này và đề xuất đề tài “Nghiên cứu phát triển một số giống đậu đỗ mới góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương”. Cụ thể, đã trồng thử nghiệm ở 5 vùng sinh thái để đánh giá tính ổn định, tính thích ứng, năng suất của giống và thấy loại đậu này dễ thích nghi với điều kiện thời tiết ở địa phương, có thể trồng ở nhiều nơi, trên nhiều loại đất.
TS. Nguyễn Ngọc Quất kiểm tra mô hình giống đậu đũa ngồi chịu nhiệt ĐRV18 tại tỉnh Ninh Bình
TS. Nguyễn Ngọc Quất cho biết, giống đậu đũa ngồi này có một ưu điểm nữa là do ra hoa, ra quả tập trung nên không chỉ hạn chế sâu, bệnh ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác.
TS. Quất cho biết, đến thời điểm này, đây là giống "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam, có những đặc điểm vượt trội như tính chịu nhiệt cao, trong quá trình canh tác không cần phải bắc giàn như những giống đậu đũa khác, năng suất đạt từ 22 - 24 tấn/ha, thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch quả đợt một chỉ 55 - 65 ngày, sau đó còn cho thu hoạch tới 2 lần. Sở dĩ gọi ĐRV18 là đậu rau ngồi bởi đặc tính sinh trưởng hữu hạn, tức chiều cao cây chỉ phát triển đến một mức nhất định, rất thấp nên không cần phải bắc giàn…
“Hiện nay, ngoài việc trồng ở các vùng chuyên canh, giống đậu đũa ĐRV18 còn có thể đi vào nông nghiệp đô thị đó là mỗi gia đình chỉ cần có từ 1 - 2 thùng xốp, trồng 20 - 30 cây là đã có quả ăn. Với hàm lượng thịt quả dày hơn hẳn các giống đậu rau khác nên ĐRV18 ăn giòn hơn, ngon hơn…” TS. Quất khẳng định.
Lê Hải