
Điện Biên nỗ lực giảm nghèo bền vững: Từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng cao
14/07/2025TN&MTTỉnh Điện Biên đang từng bước khẳng định sự bứt phá trong hành trình giảm nghèo bền vững. Với những chương trình, chính sách thiết thực gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hộ và sinh kế bền vững, đời sống của người dân - nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới - đã có những chuyển biến rõ rệt.
Điện Biên là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, với hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại các vùng cao, biên giới. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất lạc hậu... là những rào cản lớn trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nhiều hộ nông dân tại Điện Biên đã mạnh dạn thay đổi mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững
Trong bối cảnh đó, chính quyền tỉnh Điện Biên xác định giảm nghèo không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là thước đo sự phát triển bền vững của từng địa phương. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ và quyết liệt.
Từng bước chuyển biến qua xây dựng nông thôn mới
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên, 6 tháng đầu năm 2025, số tiêu chí nông thôn mới (NTM) bình quân đạt được trên mỗi xã là 14,74 tiêu chí, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (14,68 tiêu chí), đạt 81,73% so với kế hoạch đề ra.
So với kết quả ước thực hiện năm 2024, con số này tuy không tăng nhiều, nhưng cho thấy xu hướng ổn định và tiến bộ trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tuyên truyền ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới đến bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Ông Đỗ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Kinh tế hợp tác Điện Biên (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên) chia sẻ: “Mỗi tiêu chí nông thôn mới đạt được là một bước cải thiện thiết thực trong đời sống của người dân, từ hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục đến môi trường. Đặc biệt, với địa bàn đặc thù miền núi như Điện Biên, việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được còn khó hơn đạt mới”.
Tính đến giữa năm 2025, tỉnh có 26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, giữ nguyên so với năm 2024 và đạt 100% chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 6 tháng. Dự kiến đến cuối năm, Điện Biên phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 30 xã, đạt 133,33% so với mức hiện tại.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh chưa có xã nào được công nhận mới, cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai các tiêu chí cuối cùng – thường là những tiêu chí “cứng” như thu nhập, môi trường, y tế hoặc giao thông.
Ông Đỗ Quang Minh cho biết: “Chúng tôi đang tập trung tháo gỡ khó khăn ở các xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư những hạng mục còn thiếu. Có thể trong 6 tháng đầu năm chưa có xã đạt chuẩn mới, nhưng mục tiêu 4 xã cuối năm là hoàn toàn khả thi”.
Hướng đi mới trong giảm nghèo: Từ hỗ trợ sang trao quyền
Chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ đơn thuần sang tiếp cận phát triển sinh kế bền vững là xu hướng nổi bật trong công tác giảm nghèo của tỉnh Điện Biên hiện nay. Thay vì hỗ trợ ngắn hạn bằng tiền mặt hay lương thực, tỉnh ưu tiên đầu tư vào phát triển mô hình sản xuất gắn với lợi thế địa phương như trồng mắc ca, nuôi ong, trồng cà phê, chăn nuôi gia súc quy mô hộ gia đình và đặc biệt là phát triển sản phẩm OCOP.
Thông qua các chương trình tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kết nối đầu ra cho sản phẩm, người dân đã chủ động hơn trong phát triển sản xuất.
Nông dân huyện Tuần Giáo (cũ), tỉnh Điện Biên đưa các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao vào trồng trọt
“Điện Biên đang khuyến khích người dân không ngừng học hỏi, thay đổi tư duy sản xuất tự cung tự cấp sang làm kinh tế hàng hóa, có đầu ra rõ ràng. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên nhân rộng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, kết nối với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Đó là cách tiếp cận căn cơ để xóa nghèo”, Ông Đỗ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Kinh tế hợp tác Điện Biên nhận định.
Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội được lồng ghép hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất.
Tăng tốc phát triển hạ tầng – nền tảng cho thoát nghèo
Một trong những tiêu chí quan trọng nhưng cũng tốn kém nhất trong xây dựng NTM là hạ tầng nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2025, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại các huyện trước đây như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà, ... được đầu tư nâng cấp; các công trình điện, nước sạch sinh hoạt và điểm trường học cũng được xây dựng mới hoặc cải tạo.
Đây là những công trình có tính quyết định tới chất lượng sống của người dân, đặc biệt ở các xã vùng cao, vùng sâu – nơi mùa mưa kéo dài có thể gây cô lập, chia cắt trong thời gian dài.
Một con đường giao thông nông thôn tại huyện Tủa Chùa (cũ), tỉnh Điện Biên được đầu tư khang trang
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên, nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản trong chương trình nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc phân bổ ngân sách cần tập trung theo hướng “đầu tư có trọng tâm, trọng điểm” – ưu tiên những xã có khả năng hoàn thành tiêu chí trong năm, thay vì chia đều.
Gắn kết giảm nghèo với bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch
Một hướng đi hiệu quả trong giảm nghèo tại Điện Biên là kết hợp xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều xã như: Mường Phăng, Pá Khoang, Tủa Thàng đã tận dụng tốt cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút khách du lịch.
Các bản du lịch cộng đồng người Thái, người Mông,... đang từng bước hình thành, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân, đồng thời góp phần gìn giữ văn hóa bản địa.
Nhân dân các bản văn hóa du lịch cộng đồng tại Điện Biên chung vui cùng du khách
“Du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp với điều kiện địa phương. Khi người dân thấy rằng giữ gìn cảnh quan, tập quán, ngôn ngữ cũng là một cách để phát triển kinh tế, thì tự khắc họ sẽ gắn bó với bản làng, bớt di cư, bớt bỏ hoang ruộng nương”, Ông Đỗ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Kinh tế hợp tác Điện Biên cho biết.
Những khó khăn và giải pháp tháo gỡ
Tuy đạt được những kết quả tích cực, song công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn còn không ít thách thức. Đơn cử: Tiến độ đạt xã NTM mới còn chậm, do nguồn lực đầu tư hạn chế và điều kiện tự nhiên khó khăn, 6 tháng đầu năm chưa có xã nào đạt mới, trong khi kế hoạch cả năm đặt mục tiêu 4 xã; Tỷ lệ xã đạt chuẩn kiểu mẫu còn thấp: Trong khi cả nước bắt đầu chuyển hướng từ “đạt chuẩn” sang “nâng chuẩn”, thì Điện Biên vẫn chưa có xã nào đạt nông thôn mới kiểu mẫu; Chênh lệch vùng miền lớn: Một số xã vùng thấp như Thanh Hưng, Pom Lót tiến nhanh trong khi nhiều xã vùng cao hầu như chưa hoàn thành 10 tiêu chí.
Để tháo gỡ, tỉnh Điện Biên đã tập trung một số giải pháp trọng tâm:
Một là, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn: Từ chương trình NTM, giảm nghèo, phát triển dân tộc thiểu số... để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Hai là, phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở: Đào tạo cán bộ xã có năng lực triển khai chương trình NTM bài bản.
Ba là, huy động sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp: Xã hội hóa các công trình nhỏ, mô hình sản xuất.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Chuyển từ hỗ trợ sang khơi dậy ý chí tự vươn lên của người dân.
Mục tiêu đến cuối năm 2025: Giữ vững và nâng chất các tiêu chí
Dự kiến, đến cuối năm 2025, tỉnh Điện Biên sẽ có: 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 4 xã); Tỷ lệ xã đạt chuẩn đạt 27% tổng số xã trong toàn tỉnh; Số tiêu chí bình quân đạt 13 tiêu chí/xã, tương đương 105,69% so với mức hiện tại.
Mặc dù vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung cả nước, nhưng với đặc thù miền núi, đó là những con số thể hiện nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên.
Điện Biên chú trọng đầu tư các công trình hệ thống kênh mương thủy lợi sẽ giúp cải thiện hệ thống tưới tiêu, giải quyết tình trạng thiếu nước và ngập úng trong nông nghiệp
“Giảm nghèo không phải là đích đến, mà là quá trình lâu dài. Quan trọng là người dân thay đổi được tư duy, tự tin vươn lên, có khát vọng làm chủ cuộc sống. Đó mới là nền tảng cho phát triển bền vững”, Ông Đỗ Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Kinh tế hợp tác Điện Biên khẳng định.
Dưới đây là một số hình ảnh trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững tại Điện Biên:
Không chỉ tích cực hiến đất làm các công trình, nông dân xã Nà Hỳ, tỉnh Điện Biên đã chủ động chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm nghèo bền vững.
Nông dân Điện Biên thu hoạch lúa mùa
Người dân xã Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) nhờ chuyên tâm trồng, chăm sóc cây cà-phê nên đã có nhiều gia đình vươn lên làm giàu
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên động viên nhân dân huyện Điện Biên Đông (trước đây) tích cực tham gia các dự án trồng mắc-ca, xóa đói giảm nghèo
Điện Biên ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng
Mô hình trồng sâm dưới tán rừng tại huyện Tuần Giáo (cũ), tỉnh Điện Biên dần khẳng định hiệu quả, thu hút nhiều tỉnh bạn tham quan, học tập
Nông dân xã Xuân Lao (nay là xã Mường Lạn), tỉnh Điện Biên thu hái chè
Cây Cao su, một trong những loại cây công nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho hàng nghìn gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên
Mô hình trồng bí xanh tại xã Chà Nưa (nay là xã Mường Chà), tỉnh Điện Biên
Đỗ Hùng
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Điện Biên: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng;
- Điện Biên: Kỳ vọng đổi mới từ Luật Địa chất - Khoáng sản năm 2024.