
Ngành thủy sản 6 tháng đầu năm 2025: Bứt phá sản lượng đối mặt thách thức xuất khẩu
13/07/2025TN&MT6 tháng đầu năm 2025, ngành thủy sản Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế và áp lực nội tại, Cục Thủy sản và Kiểm ngư xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm: Giữ vững đà tăng, củng cố nội lực, đồng thời tháo gỡ thách thức để hướng đến phát triển bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, mặc dù có thời điểm xuất hiện thời tiết bất thường tại một số vùng biển, song nhìn chung điều kiện khí tượng thủy văn tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác. Nhiều loài hải sản chủ lực như cá cơm, cá ngừ, cá sọc dưa, cá hố,… xuất hiện sớm và dày đặc, góp phần tạo điều kiện cho bà con ngư dân tăng chuyến ra khơi, nâng cao hiệu quả đánh bắt, đặc biệt tại các ngư trường trọng điểm như miền Trung, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Thủy sản khởi sắc trong khó khăn
Trong bối cảnh quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp với hàng loạt yếu tố bất ổn: Xung đột Nga - Ukraine kéo dài, chiến tranh thương mại, đặc biệt từ phía Mỹ, tình hình căng thẳng tại Trung Đông tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và các hoạt động kinh tế suy giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa, trong đó có thủy sản. Bên cạnh đó, các thách thức toàn cầu như cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đặt ngành thủy sản Việt Nam vào thế phải thích ứng linh hoạt và nâng cao năng lực chống chịu.
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt khoảng 4,5 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 1,97 triệu tấn (tăng 1%), sản lượng nuôi trồng đạt 2,57 triệu tấn (tăng 4,9%). So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2025, tổng sản lượng đã đạt khoảng 47%, trong đó khai thác đạt 52%, còn nuôi trồng đạt 43%. Những con số này cho thấy mức tăng trưởng tương đối ổn định, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng, lĩnh vực đang được ngành định hướng đẩy mạnh trong giai đoạn phát triển bền vững.
Cùng với sản lượng, hoạt động xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Riêng trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 906 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 6 tháng, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 5,11 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, một mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều biến động.
Trong đó, mặt hàng cá tra mang về giá trị xuất khẩu tháng 6 ước đạt 180,5 triệu USD (tăng 13,8%), nâng tổng kim ngạch 6 tháng lên 925 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Tôm tiếp tục khẳng định vai trò là mặt hàng chủ lực với kim ngạch tháng 6 đạt 452,1 triệu USD, tăng mạnh 31,7%; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt gần 2,14 tỷ USD tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Về sản xuất giống thủy sản, tiếp tục được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng trong cả nước. Tính đến hết tháng 6 năm 2025, cả nước có khoảng 7.238 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản, với tổng sản lượng giống ước đạt 214,3 tỷ con các loại.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất giống tôm nước lợ có 1.789 cơ sở sản xuất giống thương phẩm, cung ứng khoảng 111 tỷ con giống ra thị trường. Bên cạnh đó, 07 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ cung cấp khoảng 29.800 con, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng giống chất lượng cao cho ngành tôm.
Giống cá tra một trong những đối tượng nuôi chủ lực được cung cấp bởi 1.918 cơ sở, với sản lượng khoảng 14,7 tỷ con cá bột và 1,89 tỷ con cá giống, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho vùng nuôi trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Hệ thống lồng nuôi cá quy mô công nghiệp (Ảnh: Mạnh Hải)
Sản xuất giống nhuyễn thể (như ngao, sò, hàu,...) cũng ghi nhận sự phát triển với 835 cơ sở, cung ứng gần 98,8 tỷ con giống. Lĩnh vực giống cá biển hiện có 112 cơ sở, sản lượng ước đạt 124,2 triệu con góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nuôi biển bền vững.
Ngoài ra, các đối tượng nuôi nước ngọt như cá rô phi, diêu hồng được 232 cơ sở sản xuất với tổng sản lượng khoảng 1 tỷ con. Các đối tượng bản địa, truyền thống như cá trắm, mè, chép… tiếp tục được duy trì tại 1.316 cơ sở, cung cấp khoảng 1,5 tỷ con giống phục vụ nhu cầu đa dạng của người nuôi trên cả nước.
Kết quả này cho thấy hệ thống sản xuất giống thủy sản đang hoạt động hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi, góp phần đảm bảo chất lượng đầu vào cho nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh ngành đang hướng đến phát triển bền vững, tăng năng suất và giá trị gia tăng.
Về sản xuất, cung ứng thức ăn thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục được duy trì ổn định, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nuôi trồng. Cả nước hiện có khoảng 868 cơ sở sản xuất, cung ứng thức ăn thủy sản, với tổng sản lượng ước đạt khoảng 2,88 triệu tấn.
Trong đó, sản lượng thức ăn phục vụ nuôi tôm đạt khoảng 0,76 triệu tấn, được cung ứng từ 35 cơ sở sản xuất lớn; lĩnh vực cá tra có 51 cơ sở chuyên biệt, cung cấp khoảng 1,05 triệu tấn. Ngoài ra, nhóm các loại thủy sản khác (như cá rô phi, cá biển, nhuyễn thể…) được 34 cơ sở sản xuất thức ăn chuyên dụng, với sản lượng ước đạt 1,1 triệu tấn.
Nguồn cung tương đối dồi dào, tuy nhiên Cục Thủy sản vả Kiểm ngư cũng lưu ý về thách thức chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất và hiệu quả nuôi trồng, đặc biệt đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ. Do đó, việc kiểm soát chất lượng thức ăn và khuyến khích áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm chi phí tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác quản lý, điều hành của Cục Thủy sản và Kiểm ngư được triển khai tích cực, đồng bộ nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành thủy sản. Cục đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc cấp phép nhập khẩu thủy sản sống phục vụ thực phẩm và làm cảnh, đồng thời tăng cường quản lý, phát triển giống thủy sản, thức ăn thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng.
Đặc biệt, công tác phòng chống rét cho thủy sản và chuẩn bị nguồn giống phục vụ nuôi trồng năm 2025 được thực hiện bài bản, đảm bảo đủ lượng và chất lượng giống cho các vùng nuôi trọng điểm. Cục cũng chủ động đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu tôm hùm giống một đối tượng có giá trị kinh tế cao.
Song song với đó, công tác quản lý thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng được tăng cường nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho sản xuất. Cục tập trung kiểm soát chặt chẽ giống các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, đặc biệt là cá tra, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và chất lượng ương nuôi giống, góp phần giữ vững uy tín của ngành trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về công tác chỉ đạo sản xuất tôm nước lợ, nhằm chủ động ổn định chuỗi sản xuất và tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường trong năm 2025, ngay từ cuối năm 2024, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã kịp thời tham mưu ban hành công văn số 2530/TS-NTTS ngày 04/12/2024, hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2025.
Văn bản này được xem là cơ sở quan trọng giúp các địa phương và người nuôi chủ động bố trí lịch mùa vụ phù hợp với điều kiện khí hậu, thị trường tiêu thụ cũng như các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng đề ra cho ngành tôm nước lợ trong năm nay.
Về lĩnh vực cá tra, ngày 4/6/2025, Cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Kiểm ngư đã trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, phương án giải thể Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc giải thể Ban chỉ đạo này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào khoản 4 Điều 13 của cùng quyết định.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã gửi văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ và báo cáo Bộ trưởng, đồng thời thông báo tới Vụ Tổ chức Cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường về nội dung này. Hiện tại, Cục đang chờ chỉ đạo chính thức từ Bộ trưởng để hoàn tất các thủ tục liên quan.
Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả điều phối, thúc đẩy phát triển bền vững ngành cá tra một trong những ngành thủy sản chủ lực của Việt Nam, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã chủ động phối hợp với nhiều đối tác trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp. Cụ thể, Cục phối hợp cùng Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup và Đại học Nha Trang xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về nuôi biển công nghiệp, nhằm nâng cao kỹ thuật và năng lực quản lý cho ngành.
Đồng thời, Cục cũng phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho nuôi biển, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi biển trong nước.
Về thủ tục hành chính, Cục đang thẩm định 2 hồ sơ đề nghị cấp phép nuôi biển từ nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện hồ sơ và trả lời các đề nghị giao khu vực biển từ các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhằm đơn giản hóa thủ tục, Cục đã rà soát và đề xuất phân cấp quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quản lý và phát triển nuôi biển bền vững.
Mặc dù đạt kết quả tích cực, Cục Thủy sản và Kiểm ngư cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại đáng lo ngại. Thứ nhất, giá thức ăn chăn nuôi, xăng dầu và chi phí logistics vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và lợi nhuận của người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thủy sản trong nước đã bắt đầu manh nha từ quý II, gây áp lực lên các nhà máy chế biến.
Biến đổi khí hậu trong năm 2025 tiếp tục diễn biến phức tạp và cực đoan, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nắng nóng kéo dài, mưa đến muộn và phân bố không đều đã làm biến động nhiệt độ và độ mặn tại các vùng nuôi, gây ra sốc môi trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát trên tôm, cá. Một số địa phương ven biển đã chịu thiệt hại do lốc xoáy, mưa giông cục bộ, trong khi chất lượng nguồn nước đầu vào thiếu ổn định càng làm gia tăng khó khăn cho sản xuất tại các vùng nuôi tập trung.
Trước thực tế này, ngành thủy sản cần đẩy mạnh ứng dụng các mô hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực giám sát môi trường và củng cố hạ tầng vùng nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn với các vấn đề xung đột chính trị kéo dài và suy thoái kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản.
Ngoài ra, việc thay đổi tổ chức bộ máy quản lý, cùng với nhiều quy định phân cấp và quy chế mới được ban hành, đã khiến kế hoạch và kinh phí phải điều chỉnh, làm chậm tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ so với kế hoạch ban đầu. Đây là thách thức cần được khắc phục để đảm bảo hoạt động ngành thủy sản phát triển ổn định, hiệu quả trong những tháng cuối năm.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm
Dự báo bối cảnh thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2025 vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đáng kể đối với ngành thủy sản. Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tiếp tục biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm thủy sản. Chất lượng giống nuôi còn gặp nhiều khó khăn do nguồn gốc chưa đồng đều, cùng với nguy cơ dịch bệnh trên giống đang là vấn đề ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả nuôi trồng. Thời tiết diễn biến bất thường, biến đổi khí hậu với các hiện tượng cực đoan tiếp tục gây tác động tiêu cực đến sản xuất thủy sản trên cả nước.
Mặt khác, các rào cản thương mại như thuế quan, quy định xuất nhập khẩu, cùng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn là thách thức lớn đối với ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn và các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng. Các địa phương cũng đang trong quá trình vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa triển khai sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, gây áp lực nhất định đến tiến độ công việc.
Đáng chú ý, Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) chưa được kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín quốc tế và khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong quản lý và kiểm soát khai thác.
Về thời tiết biển, dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện nhiều cơn bão trong các tháng cuối năm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ ngư dân.
Kế hoạch các chỉ tiêu sản xuất chính năm 2025 cũng đã được ngành thủy sản đặt ra rõ ràng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản dự kiến đạt khoảng 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt là 389 nghìn ha, diện tích nuôi mặn, lợ đạt 936 nghìn ha. Tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt 9,75 triệu tấn, gồm 3,8 triệu tấn khai thác và 5,95 triệu tấn nuôi trồng.
Sản lượng các sản phẩm chủ lực quốc gia: cá tra khoảng 2 triệu tấn; tôm nước lợ dự kiến đạt 1,2 triệu tấn, trong đó tôm sú chiếm 276 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt khoảng 940 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản được đặt mục tiêu đạt 10,5 tỷ USD, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân.
Với những mục tiêu và dự báo này, ngành thủy sản đang tập trung tối ưu các nguồn lực, hoàn thiện cơ chế quản lý, đẩy mạnh đổi mới kỹ thuật, công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất để vượt qua thách thức, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong quản lý sản xuất giống và thức ăn thủy sản
Để bảo đảm chất lượng và an toàn trong sản xuất giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Đồng thời, triển khai kiểm tra, đánh giá và chứng nhận điều kiện hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn và các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định pháp luật. Những cơ sở không tuân thủ sẽ bị xử lý nghiêm nhằm nâng cao chất lượng nguồn giống và thức ăn đầu vào cho ngành.
Cục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, nhằm phát hiện và xử lý triệt để các vi phạm về chất lượng giống và thức ăn thủy sản, cũng như những vi phạm về điều kiện sản xuất. Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực quản lý mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Vai trò cầu nối được Cục Thủy sản và Kiểm ngư đảm nhận hiệu quả khi phối hợp thường xuyên với các địa phương và các bộ phận chuyên môn trong việc chia sẻ thông tin về quản lý nguồn gốc, chất lượng giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Song song đó, Cục cũng bám sát quy chế phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thú y, Cục Cảnh sát giao thông nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng trong toàn ngành.
Việc kiểm tra trách nhiệm của các địa phương trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm ở công đoạn giống và thức ăn thủy sản cũng được Cục đặc biệt chú trọng, theo đúng Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ban hành ngày 15/11/2018. Cùng với đó, Cục chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ quản lý chất lượng thức ăn thủy sản và các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng, nhằm hướng đến phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, chất lượng cao.
Đồng lòng vượt khó, ngành thủy sản vững bước trên hành trình phát triển bền vững
Ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong cơ cấu nông nghiệp, bất chấp những biến động khó lường của tình hình kinh tế, địa chính trị và thời tiết toàn cầu. Thành quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 là kết quả của sự quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách ngành.
Bên cạnh đó, sự chủ động vào cuộc của các địa phương, sự đồng hành tích cực của các hội, hiệp hội ngành nghề cùng tinh thần đoàn kết, vượt khó và nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng bà con ngư dân trên khắp cả nước đã tạo nên một động lực to lớn, giúp toàn ngành không chỉ vượt qua nhiều thách thức mà còn duy trì được đà tăng trưởng tích cực. Đây chính là nền tảng vững chắc để ngành thủy sản tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả, có trách nhiệm và bền vững trong thời gian tới.
Sỹ Tùng