
Apec Group - Vi phạm ngay cả trong lĩnh vực là ngành nghề chính
15/04/2022TN&MTApec Group vẫn được biết đến là "ông lớn" bất động sản với các dự án hào nhoáng nhưng đằng sau đó lại là những vi phạm đang khiến cho nhà phát triển dự án xuất hiện trước công chúng với những hình ảnh tiêu cực nhiều hơn là đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Apec Diamond Park Lạng Sơn "chống lệnh" cơ quan chức năng
Dự án Khu đô thị thương mại, căn hộ và shophouse (Apec Dianmond Park), thôn Mai Duốc, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn do Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam (địa chỉ tầng 16 toà nhà Charmvit Tower, 117 Trần Duy Hưng, P Trung Hoà, Q Cầu Giấy, Hà Nội) làm chủ đầu tư. Nằm ven Quốc lộ 1A, trục trung tâm khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, dự án dù chưa có giấy phép, chính quyền xử phạt, yêu cầu dừng nhưng vẫn thi công.
Dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn chưa cấp phép vẫn thi công.
Trước đó, ngày 30/10/2019, công chức địa chính - xây dựng xã Mai Pha phối hợp với cán bộ Thanh tra Sở xây dựng, Phòng quản lý đô thị, Đội quản lý trật tự xây dựng lập biên bản vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; Yêu cầu Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam hoàn thiện các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Ngày 04/11/2019, UBND TP Lạng Sơn ban hành quyết định xử phạt chủ đầu tư 50 triệu đồng. "Trong thời gian tới UBND TP Lạng Sơn sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND xã Mai Pha, Đội quản lý trật tự đô thị TP kiên quyết tổ chức ngăn chặn đối với dự án. Hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam không xuất trình được Giấy phép xây dựng, UBND TP sẽ ban hành thông báo thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm và quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả", văn bản viết.
Royal Park Bắc Ninh tự ý thay đổi công năng so với thiết kế được phê duyệt
Dự án Royal Park Bắc Ninh do Công ty TNHH Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (Apec Group) Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Dự án được chuyển đổi từ dự án Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê Apec (tên thương mại Royal Park Bắc Ninh).
Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện có nhiều sai phạm đã được Chủ tịch UBND tỉnh; Sở Xây dựng; Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh và UBND thành phố Bắc Ninh nhiều lần kiểm tra, chấn chỉnh và xử phạt vi phạm hành chính; Sở Xây dựng đã tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận số 282/KL-SXD ngày 17/10/2018.
Đến thời điểm thanh tra, Apec Group thực hiện chưa dứt điểm các kiến nghị, xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Một số hành vi vi phạm của công ty như: Tổ chức khởi công xây dựng khi chưa có Giấy phép xây dựng; Tổ chức thi công xây dựng công trình sai thiết kế được duyệt; Thành lập Ban quản lý dự án công trình không đủ điều kiện năng lực theo quy định; Thi công xây dựng sai hồ sơ thiết kế kèm theo Giấy phép xây dựng; Đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy… với tổng số tiền phạt buộc phải nộp khắc phục hậu quả là: 842.600.000 đồng.
Dự án Royal Park Bắc Ninh bị xử phạt hơn 842 triệu đồng.
Kết luận số 2683/Kl-UBND tỉnh đã chỉ ra một số khuyết điểm, tồn tại đối với Apec Group Bắc Ninh: Lập dự án đầu tư và hồ sơ xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đã đưa nội dung “căn hộ khách sạn” vào tổ chức công năng của dự án không đúng với chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chưa xác định cụ thể công năng của tòa nhà theo chủ trương đầu tư của tỉnh; Khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định tại Điều 107, Luật Xây dựng năm 2014; Thi công không đúng hồ sơ cấp phép xây dựng, bản vẽ thi công được thẩm định, phê duyệt, là vi phạm yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình quy định tại Khoản 1 Điều 111, Luật Xây dựng năm 2014; Thi công chiều cao thông thủy của các căn hộ thấp hơn so với thiết kế từ 15-30cm và không đúng với Mục 6.7 Tiêu chuẩn TCVN 4451-2012 (là 2,7m); Thi công chiều cao lan can tầng mái nhà A là 1m, nhà B là 0,78m không đúng Mục 3.4.1.7 Quy chuẩn QCXDVN 05:2008 (là 1,4m); Một số cấu kiện, vật tư thiết bị của căn hộ không đúng với hợp đồng mua bán; Chủ đầu tư và nhà thầu đã nghiệm thu, thanh toán thừa khối lượng, với giá trị 160.546.903 đồng;…
Đối với nhà thầu, Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (tổng thầu) thi công sai thiết kế được chủ đầu tư phê duyệt và Sở Xây dựng thẩm định, sai giấy phép xây dựng là vi phạm Khoản 7 Điều 25, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
Công ty APAVE – đơn vị giám sát đã ký nghiệm thu các khối lượng, kết cấu công trình được thi công sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế được Sở Xây dựng thẩm định và chủ đầu tư phê duyệt là vi phạm Khoản 2 Điều 27, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
Apec Mandala Wyndham Mũi Né vi phạm Luật phòng, chống rửa tiền
Tháng 4/2020, tại Kết luận thanh tra số 867/KL-SXD, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né do Công ty CP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Apec Group) và doanh nghiệp liên kết là Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Trước đó, Sở Xây dựng Bình Thuận đã tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, phòng chống rửa tiền đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn.
Tại thời điểm thanh tra, xung quanh dự án chủ đầu tư vẫn còn lắp dựng các bảng quảng cáo về việc bán căn hộ condotel. Hơn thế nữa, chủ đầu tư và các đơn vị phân phối thực hiện việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức ký kết hợp đồng vay, văn bản thỏa thuận, bản đăng ký nguyện vọng.
Trong khi đó Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam khẳng định, hiện nay mới thực hiện truyền thông về các thông tin chung dự án, chưa thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản và chưa ký hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản với tổ chức, cá nhân nào.
Nhưng đã có rất nhiều phản ánh của báo chí, đơn thư phản ánh, kiến nghị của công dân về việc Chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức ký kết hợp đồng vay, văn bản thỏa thuận, bản đăng ký nguyện vọng... Tại thời điểm thanh tra, xung quanh dự án chủ đầu tư vẫn còn lắp dựng các bảng quảng cáo về việc bán căn hộ condotel.
Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né vi phạm Luật phòng, chống rửa tiền.
Đặc biệt, theo kết luận của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né còn vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Theo đó, Công ty cổ phần dịch vụ và Đầu tư bất động sản Cland, Công ty cổ phần bất động sản Khải Hoàn Land chưa thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014. “quá trình thực hiện dự án Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, Phòng, chống rửa tiền”, Kết luận thanh tra số 867/KL-SXD của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Theo nội dung dự án đầu tư tại Giấy chứng nhận đầu tư số 5315082110 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận chứng nhận lần đầu ngày 19/9/2019 thì mục tiêu dự án là xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Mũi Né gồm hệ thống phòng nghỉ dưỡng, spa, bể bơi, cây xanh và các tiện ích khác phù hợp với kiến trúc và cảnh quan chung của khu vực, phục vụ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế, mục đích sử dụng đất tại Quyết định số 9725/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND thành phố Phan Thiết về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất diện tích 45.876,4 m2 tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết và Hợp đồng thuê đất số 20/HĐTĐ ngày 28/01/2019 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Thuận là đất thương mại, dịch vụ.
Do đó, đây không phải là dự án xây dựng nhà ở thương mại, việc huy động vốn tại dự án này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, việc mua bán căn hộ không đúng theo nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Đỗ Hùng - Bảo Bảo (T/h)