
Hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường”
22/07/2025TN&MTSáng ngày 22/7/2025, Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường”. Sự kiện thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia môi trường, nhà khoa học, doanh nhân, đại diện doanh nghiệp OCOP, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành hàng, cùng các cơ quan báo chí truyền thông.
Tham dự Hội thảo có: TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường; PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường Biển và Hải đảo; TS. Vũ Văn Doanh, Phó Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; ThS. Nguyễn Thị Trà Giang, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; TS. Nguyễn Trọng Tuyển, Đại diện Cục Chăn nuôi - Thú y; TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam; Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức (OCOP Hà Nội); Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP); Bà Đỗ Thủy Tiên, Phó Giám đốc Công ty Asahi Travel Việt Nam; Ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó Trưởng phòng Tín dụng không tập trung, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam...
Hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường” diễn ra sáng 22/7/2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội)
Phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh vai trò trung tâm của kinh tế tuần hoàn trong tiến trình phát triển xanh của Việt Nam, đồng thời khẳng định báo chí đóng vai trò dẫn dắt trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động trong cộng đồng doanh nghiệp.
Ông cho biết, việc tổ chức hội thảo lần này nhằm góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là nội dung về khuyến khích phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư vào mô hình tuần hoàn, các dự án áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Bên cạnh đó, TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh, để thực hiện tốt mục tiêu đó, báo chí cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, lan tỏa những mô hình xanh, cách làm hiệu quả và đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Trước thực trạng môi trường toàn cầu đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học và gia tăng ô nhiễm, TS. Đào Xuân Hưng cho rằng, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số và đặc biệt là kinh tế tuần hoàn. Ông dẫn chứng: Mỗi ngày, Việt Nam phát sinh khoảng 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó phần lớn vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm. Nếu được phân loại và tái chế hiệu quả, lượng chất thải này sẽ trở thành nguồn tài nguyên quý giá.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Bên cạnh những yêu cầu từ thực tiễn, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường đánh giá cao các chính sách gần đây của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc cụ thể hóa nội dung kinh tế tuần hoàn, như thúc đẩy cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình tăng trưởng xanh và triển khai chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Theo ông, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và cải thiện hình ảnh thương hiệu.
Là cơ quan lý luận, khoa học của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường không chỉ đẩy mạnh truyền thông qua các ấn phẩm in, điện tử, tiếng Việt và tiếng Anh, mà còn tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo chuyên đề để kết nối nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, cùng thúc đẩy triển khai thực tế các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đại biểu từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia thảo luận sôi nổi, tập trung vào các vấn đề thực tiễn, chính sách và công nghệ trong triển khai kinh tế tuần hoàn.
TS. Đào Xuân Hưng kỳ vọng hội thảo sẽ là dịp quan trọng để các bên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và đề xuất, đưa ra giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh. Ông kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ từ ba trụ cột: nhà nước – doanh nghiệp – xã hội, bởi chỉ khi có sự đồng hành và tương hỗ lẫn nhau thì mô hình tuần hoàn mới có thể được triển khai đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, đại diện các doanh nghiệp đã trình bày các tham luận chuyên sâu, tập trung vào các chủ đề: Xu thế toàn cầu và chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, kinh nghiệm quốc tế, phát triển khu công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ tái chế, tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể: PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường trình bày tham luận “Kinh tế tuần hoàn, xu hướng tất yếu và cơ hội cho Việt Nam trong kỷ nguyên xanh”; Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty THNN dâu tơ tằm Mỹ Đức trình bày tham luận “Hành trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn – Kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp OCOP”; ThS. Nguyễn Thị Trà Giang, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương trình bày tham luận “Giải pháp phát triển các khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”; TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam trình bày tham luận “Giải pháp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ kinh tế tuần hoàn: Tiềm năng thị trường và rào cản triển khai”; Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam trình bày tham luận “Kinh tế tuần hoàn, giải pháp cho sự phát triển bền vững ngành Thủy sản”; TS. Vũ Văn Doanh, Phó trưởng khoa Môi trường. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trình bày tham luận “Tiếng nói môi trường: Vai trò xã hội và giám sát trong phát triển kinh tế tuần hoàn”; TS. Nguyễn Trọng Tuyển, Cục Chăn nuôi - Thú Y trình bày tham luận “Phát triển chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả”; Ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng phòng tín dụng không tập trung, Quỹ Bảo vệ môi trương Việt Nam trình bày tham luận “Cơ chế cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường”; Bà Đỗ Thủy Tiên, Phó Giám đốc Công ty Asahi Travel Việt Nam trình bày tham luận “Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản – Bài học cho Việt Nam.
Các tham luận tại hội thảo đã làm rõ những thách thức, cơ hội và kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, môi trường và năng lượng
Cũng tại hội thảo, các phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi từ đại biểu, doanh nghiệp, sinh viên và phóng viên liên quan đến tài chính xanh, công nghệ, chính sách ưu đãi, trách nhiệm xã hội và vai trò truyền thông của báo chí.
Thông điệp của hội thảo thống nhất rằng việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính xanh, ứng dụng công nghệ sạch và thực hiện trách nhiệm xã hội. Việc xây dựng các chuỗi giá trị tuần hoàn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham gia
Phát biểu kết luận và đánh giá về hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường Biển và Hải đảo, cho rằng sau hơn ba giờ làm việc sôi nổi, hội thảo đã diễn ra hiệu quả, sâu sắc và toàn diện. Các diễn giả đã tập trung làm rõ các khái niệm, đặc điểm, vướng mắc và bất cập trong quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam.
Đặc biệt, hội thảo không chỉ dừng lại ở lý luận mà đã đề cập đến nhiều ví dụ thực tiễn, từ mô hình KTTH trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, thú y, đến kinh nghiệm quốc tế điển hình như Nhật Bản. Những tham luận đã chỉ rõ công nghệ hiện có, yêu cầu cần nâng cao năng lực xử lý chất thải, cũng như những yêu cầu kỹ thuật mới để thực hiện KTTH hiệu quả hơn trong tương lai.
PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường Biển và Hải đảo
Ngoài ra, hội thảo cũng đề cập sâu đến cơ chế giám sát, trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng, vai trò quan trọng của các quỹ bảo vệ môi trường, cũng như cơ chế tài chính hỗ trợ KTTH. Nhiều diễn giả đã phân tích rõ những thành tựu đạt được, các điểm nghẽn hiện nay và kiến nghị giải pháp cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền, từ chính sách pháp lý, công nghệ đến hạ tầng và quản lý nhà nước.
PGS.TS. Phạm Văn Lợi nhấn mạnh, KTTH đã được chính thức xác lập trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt tại Điều 142, đồng thời được cụ thể hóa thông qua một loạt các văn bản chính sách quan trọng của Chính phủ. Tuy nhiên, để triển khai KTTH thành công, cần phải nhìn nhận rõ những yếu điểm còn tồn tại.
Hội thảo được tổ chức chuyên nghiệp, với nội dung phong phú và trao đổi học thuật nghiêm túc giữa các đại biểu tham dự
Theo ông Phạm Văn Lợi, thách thức đầu tiên là hiệu quả KTTH với doanh nghiệp chưa thật sự rõ ràng ở thời điểm đầu, khiến họ còn e ngại đầu tư. Tuy nhiên, khi triển khai đúng hướng, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài nguyên đầu vào, giảm chi phí nhờ tái chế, tái sử dụng chất thải thay vì thải ra môi trường. Đây chính là nhu cầu nội tại và lợi ích thiết thực của doanh nghiệp, không chỉ vì chính sách mà còn vì hiệu quả kinh tế lâu dài.
Các đại biểu tham dự hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Ông cũng nêu rõ một bất cập lớn hiện nay là phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả, trong khi việc xây dựng hạ tầng đồng bộ là điều kiện tiên quyết để thực hiện KTTH. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới và cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất và tiếp cận các cơ chế ưu đãi dễ dàng hơn.
Kết thúc phần nhận xét, PGS.TS. Phạm Văn Lợi khẳng định rằng hội thảo lần này đã góp phần tạo nền tảng nhận thức vững chắc, là bước đi quan trọng để Việt Nam từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến tương lai phát thải thấp, bền vững và hiệu quả hơn.
Hoàng Anh