
Bài 2: Tăng tốc đổi mới sáng tạo - Tầm nhìn đến 2045 của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
28/07/2025TN&MTTừ nền tảng khoa học vững chắc và kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025, Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xác lập tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với khát vọng đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đổi mới mô hình tổ chức, phát triển công nghệ lõi, thúc đẩy tự chủ nghiên cứu, tăng tốc chuyển đổi số, thương mại hóa kết quả và kết nối quốc tế - chính là những trụ cột mà Vụ đang kiên định theo đuổi để đưa khoa học trở thành đòn bẩy cho một nền nông nghiệp xanh, sinh thái, hiện đại và bền vững.
TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Bộ đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đựa trên 07 nhiệm vụ trọng tâm
Hướng tới mục tiêu cao hơn
Từ nền tảng kết quả của giai đoạn 2021–2025, đặc biệt là những đột phá trong nửa đầu năm 2025, Vụ Khoa học và Công nghệ đang chủ động chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu cao hơn, tầm nhìn xa hơn, đó là xây dựng và vận hành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, phát triển nội lực công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về nông nghiệp xanh, sinh thái và bền vững.
Trên cơ sở bám sát Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 do Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành, Vụ đã chủ trì xây dựng Đề án tổng thể phát triển KHCN ngành trong giai đoạn mới, với những mục tiêu cụ thể, khả thi và đo lường được.
Theo đó, đến năm 2030: (1) 100% nhiệm vụ KHCN cấp Bộ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có địa chỉ ứng dụng rõ ràng; (1) Trên 80% công nghệ ứng dụng trong sản xuất phải do trong nước làm chủ; (3) Tối thiểu 50% kết quả nghiên cứu có khả năng chuyển giao, thương mại hóa; (4) Phát triển mỗi lĩnh vực ít nhất một công nghệ lõi đặc trưng, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2045: (1) Xây dựng một nền nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững; (2) Hình thành chuỗi giá trị nghiên cứu - ứng dụng - thương mại hóa khép kín; (3) Khoa học và công nghệ thực sự trở thành lực kéo phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, hướng đến nông dân thông minh, nông thôn hiện đại và môi trường trong lành.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Vụ KHCN xác định phải chuyển nhanh từ mô hình quản lý nhiệm vụ sang quản lý theo kết quả đầu ra, đồng thời nâng cấp mô hình nghiên cứu nhiệm vụ đơn lẻ sang nghiên cứu theo chương trình, theo chuỗi, có địa chỉ tiêu thụ đầu ra và cam kết đồng hành từ doanh nghiệp.
Một điểm mới đáng chú ý là việc Vụ chủ động xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường hiệu quả tác động của nghiên cứu KHCN đến tăng trưởng ngành, bao gồm các chỉ số về: gia tăng năng suất, giảm phát thải, cải thiện thu nhập, tăng giá trị nông sản xuất khẩu, mở rộng hợp tác công tư… Đây sẽ là công cụ quan trọng để đánh giá thực chất, tránh dàn trải, bảo đảm khoa học - công nghệ thực sự là động lực dẫn đường, không còn là khâu trung gian chậm đổi mới.
Ngoài ra, Vụ cũng đang từng bước chuẩn hóa lại quy trình xét duyệt - nghiệm thu - đánh giá tác động các nhiệm vụ KHCN theo hướng công khai, minh bạch, có sự tham gia của các chuyên gia độc lập và doanh nghiệp sử dụng kết quả, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và tính ứng dụng.
Không chỉ tập trung vào “làm khoa học”, Vụ KHCN còn hướng tới xây dựng một nền khoa học có trách nhiệm, phản ứng nhanh trước các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, như: suy giảm năng suất cây trồng do biến đổi khí hậu, áp lực dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc nông sản trong xuất khẩu, thiếu hụt nước tưới, mặn hóa đất trồng…
Với định hướng lấy hiệu quả thực tế làm thước đo, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy hội nhập quốc tế làm tiêu chuẩn, Vụ Khoa học và Công nghệ đang tạo dựng một hành lang mới cho phát triển khoa học - công nghệ ngành nông nghiệp và môi trường, linh hoạt, kết nối, trách nhiệm và giàu sức cạnh tranh.
Chuyển đổi số toàn ngành - kiến tạo hệ sinh thái dữ liệu
Trong xu thế phát triển mới, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu để ngành nông nghiệp và môi trường nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị hiệu quả tài nguyên, đáp ứng tiêu chuẩn minh bạch, truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm môi trường toàn cầu. Vụ Khoa học và Công nghệ xác định đây là một trong bốn trụ cột ưu tiên, được lồng ghép chặt chẽ trong tất cả các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Vụ đã hoàn thiện kiến trúc tổng thể Hệ thống cơ sở dữ liệu KHCN ngành Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời bước đầu vận hành nền tảng e-Science Portal - một cổng tích hợp dữ liệu kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, nhiệm vụ chuyển giao, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, số hóa hoạt động xét duyệt - nghiệm thu - giám sát nhiệm vụ KHCN. Tính đến tháng 6/2025, hệ thống đã thu thập, chuẩn hóa và cập nhật thông tin của hơn 5.800 nhiệm vụ khoa học, 2.200 kết quả ứng dụng và liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN.
Đặc biệt, Vụ đã chỉ đạo xây dựng hệ thống mã định danh số cho kết quả nghiên cứu, gắn với chuẩn hóa hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, đánh giá khả năng thương mại hóa. Đây là bước tiến quan trọng để tạo lập một chuỗi giá trị dữ liệu mở, kết nối giữa các nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà quản lý, thúc đẩy thị trường KHCN phát triển thực chất.
Song song, nhiều mô hình ứng dụng chuyển đổi số đã được triển khai thí điểm hiệu quả, như: Hệ thống truy xuất nguồn gốc iTWood quản lý 6.150 ha rừng trồng với sự tham gia của hơn 1.600 hộ dân và 200 doanh nghiệp gỗ; Phần mềm điều hành trại chăn nuôi số, tích hợp cảm biến môi trường, hệ thống cảnh báo dịch bệnh, đang vận hành tại 5 tỉnh trọng điểm; Nền tảng tư vấn giống cây trồng vật nuôi thông minh qua mã QR – AI – chatbot, giúp nông dân truy cập thông tin kỹ thuật mọi lúc, mọi nơi; Hệ thống bản đồ số vùng trồng, vùng nuôi tích hợp dữ liệu thổ nhưỡng, thủy văn, sinh trưởng, giúp hoạch định quy hoạch sản xuất thích ứng BĐKH.
Hướng tới năm 2030, Vụ đặt mục tiêu hoàn thiện Hệ sinh thái dữ liệu số ngành nông nghiệp và môi trường, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, khí tượng - thủy văn, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và biến đổi khí hậu. Tất cả các quy trình quản lý khoa học công nghệ sẽ được số hóa toàn diện, vận hành theo mô hình chính phủ số, khoa học số, sản xuất số.
Mỗi viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu sẽ được kết nối vào một nền tảng chung, hình thành “trung tâm điều hành KHCN số”, hỗ trợ phân tích dữ liệu lớn, đánh giá tác động, lập báo cáo khoa học tự động, thúc đẩy chia sẻ tài nguyên nghiên cứu và tránh trùng lặp đề tài.
Cùng với đó, Vụ đang tham mưu xây dựng khung pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống dữ liệu mở ngành nông nghiệp, môi trường, từng bước chuẩn hóa dữ liệu từ cấp cơ sở đến trung ương, từ viện - trường đến doanh nghiệp và địa phương.
Với định hướng ấy, chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhiệm vụ KHCN, mà còn là đòn bẩy tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo minh bạch - nhanh nhạy - chia sẻ - đồng sáng tạo, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Ưu tiên công nghệ sinh học, thúc đẩy thương mại hóa
Một ưu tiên lớn trong giai đoạn tới là phát triển mạnh công nghệ sinh học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch, Vụ KHCN sẽ phối hợp các viện chuyên ngành đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn, phù hợp thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Đi đôi với đó là các nghiên cứu về chế phẩm vi sinh, vaccine thế hệ mới, enzyme thay thế kháng sinh, công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp, chăn nuôi sẽ tiếp tục được ưu tiên, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu an toàn sinh học và bền vững tài nguyên.
Về tổ chức, Vụ KHCN xác định nhiệm vụ nâng cao năng lực thương mại hóa công nghệ là then chốt. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ, thúc đẩy mô hình spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn từ nghiên cứu viện - trường), khuyến khích liên kết “bốn nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân. Đây là yếu tố quan trọng để các sản phẩm KHCN không chỉ dừng ở công bố, mà thực sự trở thành hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định: hợp tác quốc tế không chỉ là kênh hỗ trợ nguồn lực, tiếp cận tri thức mới, mà còn là chiến lược hội nhập chủ động, góp phần rút ngắn khoảng cách công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh
Mở rộng hợp tác quốc tế - hiện thực hóa tầm nhìn dài hạn
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, xu hướng liên kết và đồng sáng tạo giữa các quốc gia trong nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trở thành tất yếu. Vụ Khoa học và Công nghệ xác định: hợp tác quốc tế không chỉ là kênh hỗ trợ nguồn lực, tiếp cận tri thức mới, mà còn là chiến lược hội nhập chủ động, góp phần rút ngắn khoảng cách công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh, đồng thời tạo điều kiện để đưa kết quả nghiên cứu Việt Nam ra thị trường khu vực và toàn cầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Vụ đã chủ động thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả, tiêu biểu như: Ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp CIRAD (Pháp) trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc nông sản, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng biến đổi khí hậu; Phối hợp triển khai các chương trình nghiên cứu chung với Viện nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế (IRRI), FAO, GIZ (Đức) về giống lúa bền vững, chuỗi giá trị giảm phát thải, hệ thống nông nghiệp thông minh với khí hậu; Mở rộng hợp tác với Trung tâm Công nghệ sinh học nông nghiệp Nhật Bản (JIRCAS) và Đại học Wageningen (Hà Lan) trong nghiên cứu công nghệ sinh học, enzyme, dinh dưỡng vật nuôi và vi sinh vật đất; Ký biên bản ghi nhớ với Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) về phát triển hệ thống cảnh báo môi trường và xử lý chất thải nông nghiệp.
Thông qua hợp tác quốc tế, Vụ KHCN không chỉ thu hút chuyên gia đầu ngành, nguồn vốn ODA, chương trình hỗ trợ kỹ thuật, mà còn từng bước xây dựng được mạng lưới nghiên cứu liên quốc gia, kết nối giữa các nhóm nghiên cứu của Việt Nam với các trung tâm công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Hướng tới năm 2030 và tầm nhìn 2045, Vụ đặt mục tiêu: Ít nhất 30% nhiệm vụ KHCN trọng điểm có đối tác quốc tế cùng tham gia; Tối thiểu 20% sản phẩm công nghệ có khả năng xuất khẩu hoặc thương mại hóa tại thị trường quốc tế; Tham gia đầy đủ các chương trình khung của EU, ASEAN, APEC về nông nghiệp, môi trường, biến đổi khí hậu, tài nguyên bền vững; Hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam, thu hút chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu và startup nước ngoài đến kết nối.
Song song, Vụ KHCN đang hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, đánh giá, tuyển chọn chuyên gia quốc tế, đồng thời chủ động cử cán bộ, nhà khoa học trẻ ra nước ngoài tu nghiệp, làm việc tại các phòng thí nghiệm lớn để hình thành thế hệ kế cận có khả năng hội nhập và làm chủ công nghệ cao.
Một định hướng quan trọng khác là đẩy mạnh số hóa hợp tác quốc tế, thông qua nền tảng quản lý nghiên cứu xuyên biên giới, hệ thống chia sẻ dữ liệu nghiên cứu mở, kho tài nguyên số liên kết giữa các viện – trường trong khu vực. Điều này sẽ giúp tăng tốc độ tương tác, minh bạch thông tin và thúc đẩy các chương trình nghiên cứu chung hiệu quả hơn.
Hợp tác quốc tế, theo đó, không chỉ là mở cửa ra thế giới, mà là mở rộng tầm nhìn, nâng cao chuẩn mực, học hỏi nhanh và chia sẻ giá trị. Đó cũng là con đường để KHCN Việt Nam sánh vai với khu vực và thế giới – không chỉ bằng sáng chế hay bài báo, mà bằng giá trị ứng dụng thực tiễn, sức sống công nghệ và khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu bằng giải pháp bản địa.
Với nền tảng khoa học vững chắc, chiến lược bài bản và quyết tâm hành động mạnh mẽ, Vụ Khoa học và Công nghệ đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, năng động và gắn thực tiễn. Từ đây, khoa học - công nghệ sẽ không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là “chìa khóa vàng” để nông nghiệp và môi trường Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển xanh - sinh thái - bền vững.
Hồng Minh