
TS. Nguyễn Đình Trọng: Công nghệ Việt xử lý hiệu quả “Rác thải Việt”
12/06/2023TN&MTThời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt đã gây áp lực rất lớn đối với các địa phương, nhất là trong khâu xử lý và biến rác thải thành tài nguyên. Để nhìn rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Tạp chí TN&MT đã có trao đổi với TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam.
PV: Là Nhà đầu tư các dự án Nhà máy xử lý rác thải ở các địa phương, ông đánh giá như thế nào về tình hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Đình Trọng trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
TS. Nguyễn Đình Trọng: Hiện nay, Tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam đã đầu tư thành công 02 Nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh Nghệ An và chuẩn bị đầu tư Nhà máy xử lý rác thứ 03 tại tỉnh Phú Yên. Công tác phân loại rác từ đầu nguồn ở các địa phương hiện nay về cơ bản chưa được triển khai đáng kể, mới đang ở trạng thái thí điểm là chủ yếu.
Các loại rác thải sinh hoạt vào Nhà máy chủ yếu là lẫn lộn, chưa được phân loại, do vậy rất khó khăn cho việc xử lý, cần phải hiểu rác và có một công nghệ phù hợp với rác Việt Nam thì mới có thể xử lý thành công. Có thể nói là đây là một thói quen sinh hoạt lâu nay của người Việt Nam chúng ta nên rác gần như chưa được phân loại. Có thể do quá trình đầu tư, cũng có thể do quá trình quy hoạch cho nên hầu hết các địa phương trong một số lần thí điểm phân loại vẫn chưa thành công.
Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, áp dụng những quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và sự đồng thuận của người dân thì chúng ta có thể phân loại được tốt hơn.
PV: Theo ông đâu là những bất cập trong thu hút đầu tư để xử lý CTRSH hiện nay?
TS. Nguyễn Đình Trọng: Là một nhà nghiên cứu sản xuất công nghệ xử lý rác trong nước, tôi thấy có một số bất cập trong các công nghệ hiện nay như sau:
Đầu tiên phải kể đến là, rác thải hiện nay của chúng ta chưa được phân loại đầu nguồn nên công tác xử lý hơi khó.
Với công nghệ nước ngoài thì lâu nay chúng ta đã thu hút nhiều công nghệ từ các nước G7 qua các nguồn vốn ODA, các nguồn vốn hỗ trợ, thậm chí đầu tư trực tiếp nhưng có thể nói hầu hết là chưa thành công. Trong đó, vấn đề về chính sách thu hút đang khiến cho bản thân tôi cảm thấy lo lắng trong bối cảnh hiện nay.
Về vấn đề công nghệ, trong nước cũng có một vài công nghệ mới đang ở trạng thái thí điểm và các công nghệ này tại Việt Nam có dự án thành công, có công nghệ chưa thành công. Nhưng hiện nay các chính sách của chúng ta đang có xu hướng chủ yếu hỗ trợ các công nghệ nước ngoài.
Ví dụ, các nhà máy rác ở Cần Thơ hay Hà Nội thì gần như các hợp đồng xử lý rác đều được cam kết giá tính bằng USD. Cùng với đó là lượng rác đều được cam kết, nhưng đối với các nhà đầu tư trong nước như chúng tôi thì gặp khó khăn vô cùng khi không có sự đảm bảo về lượng rác tối thiểu hay bất kỳ cam kết nào về đơn giá ổn định khiến cho các nhà đầu tư như chúng tôi không dám đầu tư.
Từ đó vô tình hình thành những khó khăn, cản trở đối với các nhà đầu tư trong nước. Do đó, trong thời gian tới những rào cản đó cần phải được xử lý, không để những bất cập này gây khó khăn cho chính các nhà đầu tư, các nhà phát triển công nghệ trong nước để biến CTRSH thành tài nguyên. Khi đó, có thể thu hút và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư xử lý CTRSH.
Chất thải RSH đã gây áp lực rất lớn đối với công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương
PV: Vậy Nhà nước cần có những giải pháp mạnh mẽ cụ thể nào để thu hút các doanh nghiệp trong nước đầu tư xử lý rác thải?
TS. Nguyễn Đình Trọng: Tôi cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của chúng ta có rất nhiều cái đổi mới, giảm thiểu được các thủ tục hành chính rất nhiều, nhưng hiện nay cần phải cụ thể hóa hơn.
Ví dụ như, một nhà đầu tư muốn đầu tư một nhà máy xử lý rác ở tỉnh nào đó thì chắc chắn phải có cam kết nguồn rác thải đầu vào, có nghĩa là không được 100% thì phải đạt được từ 80 đến 90%. Với T-TECH có thể cam kết là chỉ cần tới 80% là chúng tôi có thể đầu tư.
Hai là, chi phí xử lý rác hiện nay ở Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn đều đang phải chi trả chi phí tới trên 20 USD, thậm chí có có tỉnh đang dự trù tới mức giá 25 USD mỗi tần rác xử lý.
Nhưng tôi nghĩ rằng với công nghệ trong nước như T-TECH hiện nay thì chúng tôi sẵn sàng xử lý rác, đốt rác, phát điện với giá dưới 20 USD/tấn và thậm chí trong thời gian tới có thể thấp hơn nữa, về mức dưới 18 USD/tấn và Tập đoàn chúng tôi hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ.
Bên cạnh đó, nhà nước cần ưu đãi về giao đất, không thu thu thu tiền sử dụng đất và phải cam kết về lượng rác khi các doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, cam kết thanh toán kịp thời và có đơn giá tối thiểu để doanh nghiệp yên tâm đầu tư trong vòng 30 hay 50 năm, điều đó là quan trọng nhất.
Như vậy, Nhà nước chủ yếu là cam kết, còn doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng với Nhà nước và người dân để xử lý tốt ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra.
TS. Nguyễn Đình Trọng trình bày tham luận với tiêu đề “Phát triển công nghệ xử lý CTRSH của Việt Nam” tại Diễn đàn môi trường năm 2023 với chủ đề “Giải pháp xử lý CTRSH thành tài nguyên” do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 09/06/2023
PV: Đối với các công nghệ xử lý CTRSH tại Việt Nam và công nghệ của Việt Nam hiện nay, ông có đánh giá như thế nào?
TS. Nguyễn Đình Trọng: Nếu đánh giá chung về các công nghệ xử lý rác ở trên thị trường Việt Nam hiện nay thì có thể nói hầu hết các công nghệ chưa tới tầm. Hàng chục năm qua chúng ta đầu tư rất nhiều dây truyền công nghệ, nhưng do các công nghệ này không phù hợp với các đặc thù của CTRSH nước ta, trong đó phần lớn là do rác chúng ta chưa được phân loại từ đầu nguồn.
Để xử lý rác thì chúng ta phải đánh giá chính xác dây truyền phân loại phải phù hợp với cái loại rác chưa được phân loại từ đầu nguồn là điều rất quan trọng. Có thể nói hiện nay đang nổi lên hai nhà máy ở Cần Thơ và Hà Nội, nhưng vẫn theo công nghệ Martin ghi dịch. Tôi nghĩ rằng xu hướng thế giới là như vậy, nhưng để phù hợp với rác Việt Nam, tôi nghĩ rằng nên giao cho người Việt Nam để thấu hiểu rác Việt Nam thì sẽ thuận lợi hơn. Với những công nghệ như của T-TECH khi chúng tôi đã triển khai hàng trăm dự án trên toàn quốc thì tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể làm chủ được khả năng đốt, khả năng xử lý.
Còn việc tận dụng nhiệt để phát điện, chúng tôi nghĩ rằng những công nghệ đó hoàn toàn có thể mua của GE, Siemens sản xuất tại Ấn Độ hoặc từ các nước phát triển khác.
PV: Ông có đề xuất ra sao để thúc đẩy phát triển công nghệ xử lý CTRSH trong nước?
TS. Nguyễn Đình Trọng: Khi nói về ưu đãi công nghệ trong lĩnh vực xử lý rác thải, chúng ta đã hoạt động nhiều năm. Nhưng để hấp thụ được chính sách ưu đãi đó thì các doanh nghiệp tiếp cận còn khó, hơi lúng túng, có thể là các chương trình ưu đãi đó chưa được hướng dẫn đầy đủ và chi tiết. Thứ hai là tiếp cận hơi khó khăn, lùng bùng, bị chồng chéo. Và thứ ba là về sức hút của chính sách đối với nhà đầu tư.
Về các chính sách ưu đãi trong xử lý CTRSH thì tôi cho rằng, chúng ta chỉ cần cụ thể hóa các chính sách hiện nay cũng đã là đầy đủ. Đối với những nhà đầu tư như T-TECH thì tôi nghĩ rằng cần cam kết khối lượng rác, cam kết thanh toán chi phí kịp thời. Ba là trong nhiều năm qua chúng ta có những chương trình thu hút, thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước nhưng các doanh nghiệp tiếp cận vẫn còn khó khăn và lúng túng.
Các vấn đề trên bị tác động bởi các yếu tố như các hướng dẫn về tiếp cận nguồn vốn đó chưa rõ ràng; các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn hoặc là chưa thành thạo; cần có sự đồng điệu giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Tôi nghĩ rằng cũng cần phải có các cuộc hội thảo, tọa đàm để trao đổi một cách cụ thể hơn các chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ xử lý CTRSH trong nước. Đối với T-TECH chúng tôi đã tự bỏ vốn trong nhiều năm để nghiên cứu ra các công nghệ lò đốt phù hợp với rác thải Việt Nam chưa được phân loại đầu nguồn hiện nay.
PV: Là một nhà phát triển công nghệ cũng là nhà đầu tư, ông có khuyến nghị gì đối với các địa phương trong xử lý CTRSH?
TS Nguyễn Đình Trọng: Tôi nghĩ rằng đối với các địa phương nên có nhóm giải pháp ba bước để xử lý triệt để CTRSH. Bước thứ nhất là công tác quy hoạch, phải xây dựng một bản đồ các điểm xử lý rác trên địa bàn tỉnh, đây là điều quan trọng nhất. Quy hoạch này sẽ chỉ ra chỗ nào là tập trung đốt rác phát điện, chỗ nào là phân tán, trạm xử lý tái chế và đầu ra.
Các tỉnh, thành phố nói chung nên có một Khu liên hợp xử lý các loại chất thải chung của tỉnh để giải quyết tất cả các loại chất thải thải ra trên địa bàn tỉnh, kể cả rác công nghiệp, nguy hại, Y tế, bùn thải,...Hiện nay, nhiều tỉnh đang không có điểm xử lý các chất thải này mà vẫn đang loay hoay câu chuyện rác thải sinh hoạt chưa xong thì tôi nghĩ rằng ở tầm nhìn quy hoạch phải giải quyết được bài toán.
Để giải quyết tổng thể các loại rác trên địa bàn tỉnh thì cần có nhà máy xử lý rác thải trung tâm của tỉnh. Còn các nhà máy mà có khoảng cách vận chuyển từ trên 30km thì nên tách riêng làm một trạm xử lý. Tuy nhiên, việc triển khai bản đồ quy hoạch phải được khảo sát có tính khoa học, tính logic và hợp lý.
Bước thứ hai là lựa chọn nhà đầu tư hoặc lựa chọn phương pháp đầu tư thì cần phân định định mức theo khối lượng rác thải, nếu dưới 50 tấn thì nên đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Bởi vì dưới 50 tấn thì thường nhà đầu tư không hiệu quả mà nếu có làm cũng sẽ thất bại, lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Còn trên 50 tấn đến khoảng 200 tấn thì các doanh nghiệp địa phương có thể đầu tư, còn trên 200 tấn thì mới có thể thu hút được các doanh nghiệp bên ngoài và các doanh nghiệp lớn, như T-TECH hiện nay chỉ quan tâm đến dự án 200 tấn trở lên.
Ngoài ra, địa phương nên cố gắng lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, thậm chí phải có công nghệ trong tay. Hiện nay, tôi hay dùng từ là nhà đầu tư tay ngang thì rất khó làm để thành công, bởi rác đòi hỏi tính chuyên môn cao, đòi tính thường xuyên, liên tục, không dừng nghỉ.
Việc mọi hoạt động đều được thực hiện liên tục như thế đòi hỏi nhà đầu tư phải có năng lực, mức độ chuyên nghiệp và quan trọng nhất là phải làm chủ được công nghệ. Vì khi bị phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài sẽ bị coi là thất bại bởi tính rủi ro cao khi cần xử lý không đảm bảo tính liên tục trong vận hành xử lý rác thải.
Ở bước này địa phương cần đảm bảo công tác quản lý sau đầu tư, quản lý đất, hồ sơ đầu tư, nếu mà đầu tư bằng vốn ngân sách thì nên đấu thầu vận hành, kiểm soát công tác đấu thầu vận hành thì mới hiệu quả nguồn vốn ngân sách.
Còn khi thu hút nhà đầu tư thì cũng phải đồng hành với doanh nghiệp để giám sát nhà đầu tư, buộc phải xử lý theo đúng quy định, quy trình; địa phương đồng hành để chi trả chi phí cho nhà đầu tư kịp thời, tránh trường hợp thay đổi trong quá trình triển khai dự án.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hùng (thực hiện)